Xây dựng chế tài mạnh chặn hành vi bán thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu thầu, đồng thời phòng chống tiêu cực, tham nhũng, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ có một số nội dung sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm trong đấu thầu. Riêng với hành vi chuyển nhượng thầu, Dự thảo có những bổ sung chặt chẽ, chi tiết để chặn đứng vi phạm.
Tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các gói thầu bị chia nhỏ cho nhiều nhà thầu không đủ năng lực thi công.
Tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các gói thầu bị chia nhỏ cho nhiều nhà thầu không đủ năng lực thi công.

Khoản 8, Điều 89 Luật Đấu thầu (các hành vi bị cấm trong đấu thầu) quy định 2 mục về chuyển nhượng thầu. Theo đó, các hành vi bị xem là chuyển nhượng thầu bao gồm: nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá trị hợp đồng đã ký kết; chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Chiểu theo các quy định này, hành vi chuyển nhượng thầu đã được nêu rõ trách nhiệm từ nhà thầu cho tới chủ đầu tư, tư vấn giám sát trong Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế, nhượng thầu, bán thầu vẫn diễn ra tràn lan, biến tướng nhức nhối chưa có “thuốc đặc trị”, dẫn tới làm méo mó công tác đấu thầu.

Nhiều dự án, gói thầu đã bị cơ quan chức năng phanh phui hành vi bán thầu như Tổng công ty CP Sông Hồng sử dụng thầu phụ không đúng quy định tại Gói thầu số 9 thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk. Tại gói thầu trị giá 110,835 tỷ đồng này, Nhà thầu Sông Hồng không trực tiếp thi công, mà giao lại cho đơn vị khác là Công ty CP Sông Hồng 36, sau đó lại giao cho 2 đơn vị khác thực hiện là Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng - Khai thác mỏ Tân Việt Bắc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Xây dựng Anh Hiếu đã bị UBND tỉnh Bình Phước cấm tham gia hoạt động đấu thầu do cố ý chuyển nhượng toàn bộ khối lượng mà Công ty phải thực hiện tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Xây dựng khối 10 phòng học lầu và các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học Nghĩa Trung (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu đường Minh Tuấn.

Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, Gói thầu Thi công hạng mục giao thông, thoát nước đoạn Km20+005,3 - Km35+681 thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo Đường tỉnh 601 do Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tây Ninh - Công ty CP Thắng Đạt - Công ty TNHH MTV 17 trúng thầu với giá 117,817 tỷ đồng cũng bị phản ánh tình trạng bán thầu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trong kết luận liên quan đến Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã cảnh báo về vấn nạn chia nhỏ gói thầu, bán thầu tràn lan dẫn tới sai phạm nghiêm trọng liên quan đến chất lượng của công trình. Thanh tra Chính phủ từng thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, trong đó chỉ ra hàng loạt gói thầu để xảy ra chuyển nhượng thầu trái quy định lên tới hàng trăm tỷ đồng...

Tình trạng bán thầu diễn ra ở nhiều địa phương, ở tất cả các lĩnh vực từ giao thông, xây dựng dân dụng cho tới các dự án sử dụng vốn vay. Thậm chí, do quản lý lỏng lẻo, nhà thầu bán thầu còn chiếm đoạt tài sản của thầu phụ dẫn tới kiện tụng phức tạp kéo dài. Thực tế, khi phát sinh tranh chấp, kiện tụng hoặc có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều “lách” bằng chiêu bài “không bán thầu, chỉ là hợp đồng thuê nhân sự, thiết bị”. Do đó, rất ít trường hợp bị xử lý.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung quy định về cấm chuyển nhượng thầu. Cụ thể, cấm nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu ngoài giá trị tối đa dành cho nhà thầu phụ và khối lượng công việc đã dành cho nhà thầu phụ đặc biệt nêu trong hợp đồng, hoặc chuyển nhượng chưa vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng nhưng ngoài phạm vi công việc dành cho thầu phụ đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận.

Theo đánh giá của một số nhà thầu, nội dung điều chỉnh như trên bám chặt vào hồ sơ dự thầu và hợp đồng ký kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư. “Trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu đề xuất cụ thể tỷ lệ cũng như giá trị, khối lượng của thầu phụ. Nội dung này cũng được nêu trong hợp đồng ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nếu trong quá trình triển khai, chỉ cần nhà thầu bất tuân hồ sơ dự thầu cũng như hợp đồng là vi phạm điều cấm. Đây chính là điểm mới cần áp dụng để tăng hiệu quả chế tài xử lý với các chủ đầu tư lẫn nhà thầu để xảy ra tình trạng bán thầu trái phép”, một nhà thầu khẳng định.

Chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hiện tượng bán thầu trái phép thể hiện sự yếu kém trong quá trình lựa chọn nhà thầu lẫn giám sát thực hiện hợp đồng. Do đó, cần xây dựng khung chế tài mạnh, áp dụng hiệu quả vào thực tế để tăng sức răn đe, ngăn chặn “căn bệnh” kéo giảm hiệu quả đầu tư này.

Tin cùng chuyên mục