Xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024: Làm tốt khâu chuẩn bị, không để vốn chờ dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024, nguồn vốn đầu tư công vẫn được xác định là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng. Đây cũng là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Vì thế cần chuẩn bị các điều kiện để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn quan trọng này ngay từ đầu năm, tránh tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm dồn dập, vốn chờ dự án.
Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất vốn sát với khả năng thực hiện là những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Trần Chiến
Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất vốn sát với khả năng thực hiện là những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng. Ảnh: Trần Chiến

Nhiều dự án chậm tiến độ, chất lượng hồ sơ thấp

Theo Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), công tác quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước nói chung từng bước có chuyển biến tích cực; nguồn vốn ngân sách trung ương được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư ngày càng được nâng cao. Đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đã phát huy vai trò tích cực trong điều kiện nền kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19, thực sự là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng…

Tuy nhiên, dù công tác triển khai, hoàn thiện thủ tục đầu tư được quan tâm, nhưng nhiều dự án vẫn còn chậm, chất lượng hồ sơ dự án còn thấp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, chồng chéo giữa các quy hoạch… Do đó, dẫn đến nhiều dự án chậm giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, vì những nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án phải điều chỉnh. Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Tổng hợp từ số liệu của các bộ, ngành, địa phương trên Hệ thống thông tin về đầu tư công, năm 2022 có 2.086 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,9% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó có 39 dự án nhóm A, 698 dự án nhóm B, 1.349 dự án nhóm C.

Số dự án phải điều chỉnh là 3.673 dự án, chiếm 5,2% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư 1.484 dự án, điều chỉnh tiến độ đầu tư 2.114 dự án, điều chỉnh vốn đầu tư 1.227 dự án, điều chỉnh do các nguyên nhân khác 1.299 dự án.

Bộ KH&ĐT nhận định, trong khi nguồn vốn còn hạn chế, việc giải ngân không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Tại Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn một đánh giá gần đây của WB cho biết, một số dự án giao thông quy mô lớn chậm tiến độ bình quân lên đến 5 năm. Một số dự án bị đội vốn bình quân gấp đôi dự toán kinh phí ban đầu ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách. Mẫu đánh giá gồm 14 dự án giao thông, chiếm 13% ngân sách đầu tư cho giao thông giai đoạn 2011 - 2020.

Theo Bộ KH&ĐT, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ, chậm giải ngân là công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư công chưa được các bộ, địa phương quan tâm đúng mức, chất lượng thấp, phê duyệt mang tính hình thức. Công tác chuẩn bị thủ tục để giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho dự án tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu chủ động. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch theo đúng thời gian quy định; tình trạng đề xuất trả lại kế hoạch vốn tiếp tục có xu hướng tăng so với năm 2020, 2021, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần, vướng mắc giải phóng mặt bằng…

Năm 2022 có 2.086 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,9% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó có 39 dự án nhóm A, 698 dự án nhóm B, 1.349 dự án nhóm C. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2022 có 2.086 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,9% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó có 39 dự án nhóm A, 698 dự án nhóm B, 1.349 dự án nhóm C. Ảnh: Lê Tiên

Bố trí vốn phù hợp khả năng thực hiện

Trao đổi với đại diện một số ban quản lý dự án đang quản lý các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, một trong những kinh nghiệm được rút ra là xây dựng kế hoạch đầu tư của năm 2023 thật tốt từ những tháng cuối năm 2022, đề xuất vốn sát với khả năng thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là dự liệu được khả năng giải phóng mặt bằng - khâu được cho là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ, chậm giải ngân của nhiều dự án. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giảm tình trạng dự án khi thực hiện phát sinh nhiều vấn đề phải điều chỉnh, việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm tiến độ, chậm giải ngân.

Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, lập kế hoạch vốn sát với khả năng thực hiện cũng là yêu cầu Bộ KH&ĐT luôn nhấn mạnh khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch đầu tư công.

Hiện nay, HĐND nhiều địa phương đã thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến danh mục nhiệm vụ, dự án và bố trí kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 cho từng nhiệm vụ, dự án, đang triển khai các bước tiếp theo của công tác lập kế hoạch đầu tư công.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đầu tư công, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định rõ mục tiêu, khả năng huy động và cân đối nguồn vốn, thứ tự ưu tiên bố trí vốn và khả năng thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Các bộ, địa phương cần chú trọng một số vấn đề như chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư; chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2023 để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng “vốn chờ dự án”. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Trong số các giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công, WB nhấn mạnh, trước hết, cần cải thiện việc lập kế hoạch và thẩm định dự án, vì dự án có chất lượng đầu vào thấp khi được đưa vào triển khai sẽ dẫn đến điều chỉnh, đội vốn và chậm tiến độ. Các biện pháp khuyến nghị gồm bố trí thêm thời gian và ngân sách cho khâu chuẩn bị dự án, đưa ra hướng dẫn về phương pháp luận để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án. Cần định kỳ cập nhật định mức, đơn giá đầu tư và giá đất cho sát hơn với thị trường để đảm bảo dự toán được lập sát thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục