Xây dựng kịch bản điều hành nền kinh tế ở “trạng thái bình thường mới”

(BĐT) - Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 5/5/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế sau dịch.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ngay khi dịch xảy ra, Bộ KH&ĐT đã rất chủ động tham mưu các giải pháp, đã kiến nghị 3 bước điều hành.

Bước thứ nhất, khi COVID-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch. Khi chúng ta giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch COVID-19 giảm đi nhiều như hiện nay, chúng ta sẽ phục hồi dần dần. Bộ cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế, tập trung phục hồi thị trường trong nước trước. Đối với thị trường nước ngoài, do dịch bệnh ở nhiều nước vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang xây dựng kịch bản điều hành trong “trạng thái bình thường mới” – được hiểu là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta. “Mỗi chính sách đề ra ở trạng thái này cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Bước thứ ba là trạng thái tương lai, trong kịch bản của Bộ KH&ĐT xây dựng là khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới. Đối với thế giới hiện nay, nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bàn này, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.

“Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tại phiên họp Chính phủ diễn ra hôm qua (5/5), Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội là việc cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.

Tin cùng chuyên mục