Các ngành công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu. Ảnh: Phú An |
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm nên nghiên cứu một đạo luật về CNHT. Bởi thúc đẩy khu vực doanh nghiệp CNHT phát triển chính là thúc đẩy khu vực kinh tế trong nước phát triển, xây dựng một nền công nghiệp thực thụ, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Giá trị gia tăng thấp
Chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đến nay, nền kinh tế nước ta vẫn là một nền kinh tế gia công, không chỉ gia công về công nghiệp mà còn gia công cả nông nghiệp, vì CNHT chưa phát triển.
Theo Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, thời gian qua, công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; chưa tận dụng được lợi thế của giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước. Tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP còn thấp so với các nước công nghiệp (16,7% so với 20 - 30%); thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước; phụ thuộc lớn và nguồn cung nguyên liệu, vật liệu từ nước ngoài, tính tự chủ về nguyên vật liệu còn thấp. Đến nay, ngành công nghiệp trong nước chưa có DN có quy mô toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt để hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Nhìn lại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hoạt động sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trong nước như: ô tô, dệt may… lao đao, mà nguyên nhân chính được Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương chỉ ra là do Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu.
Báo cáo về chuỗi cung ứng của một số ngành như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, ô tô và xe điện được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện gần đây cho thấy, ngay cả ngành nông nghiệp - thế mạnh của Việt Nam, tỷ trọng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu còn lớn với 80 - 95% giống, 80% thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi… Đối với ngành ô tô và xe điện, dịch bệnh không tác động trực tiếp, song cũng làm lộ rõ hơn hạn chế cố hữu khi 80% phụ tùng ô tô lắp ráp đều phải nhập khẩu...
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam thừa nhận, năng lực của hầu hết DN công nghiệp Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trong khu vực.
Cần giải pháp đột phá
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có giải pháp đột phá gì để phát triển lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, muốn thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải có một nền công nghiệp thực thụ, muốn có nền công nghiệp thực thụ thì phải phát triển CNHT và muốn phát triển được CNHT thì phải có một đạo luật riêng.
“Nếu không có một đạo luật riêng thì những chính sách khuyến khích phát triển CNHT là rất khó. Khi chúng ta chỉ có gia công lắp ráp thôi thì giá trị gia tăng rất thấp”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm nên nghiên cứu một đạo luật về CNHT trong thời gian tới.
Cũng đề cập về sự cần thiết phải có một đạo luật thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nước nhà, Bộ Công Thương cho rằng, nếu những vấn đề còn tồn tại không được giải quyết, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam sẽ không được cải thiện. Khi các yếu tố cho tăng trưởng ở giai đoạn trước không còn phát huy tác dụng trong giai đoạn tới, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.
Dự thảo Tờ trình Luật Phát triển công nghiệp cho biết, Luật sẽ quy định các cơ chế, nguyên tắc chung để Chính phủ có căn cứ ban hành các chính sách phát triển CNHT, phát triển các chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp, trong đó trọng tâm là thúc đẩy DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Trương Thị Chí Bình kiến nghị, về lâu dài, Chính phủ có thể ban hành Luật CNHT để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển CNHT, đón dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN tin tưởng, nếu có ngành CNHT phát triển, Việt Nam chắc chắn là một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay.