Nhiều ý kiến cho rằng trình tự, thủ tục thực hiện dự án PPP cần được quy định riêng tại Luật PPP, phù hợp với bản chất của hình thức đầu tư PPP. Ảnh: Nhã Chi |
Những chia sẻ, thảo luận của đại diện các đối tác phát triển, nhà đầu tư quốc tế và cơ quan chính phủ về 3 nội dung: lĩnh vực thu hút PPP, loại hợp đồng PPP và trình tự thực hiện là dữ liệu tham vấn giá trị hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật PPP.
Nên hay không nên quy định cứng lĩnh vực?
Ông Mark Alexander Giblett, chuyên gia tài chính hạ tầng của WB, nhấn mạnh một lợi ích quan trọng của hình thức đầu tư PPP là tạo ra công cụ linh hoạt để triển khai các dự án trong nhiều lĩnh vực, huy động được sự tham gia của tư nhân để không chỉ có thêm nguồn lực mà còn mang lại đổi mới sáng tạo, công nghệ, quản trị tốt…
Từ kinh nghiệm của mình, ông Mark Alexander Giblett nêu quan điểm Luật PPP không nên quy định quá cứng nhắc về lĩnh vực, thay vào đó là cần định nghĩa rõ về PPP, trong đó nhấn mạnh việc dự án PPP phải mang lại giá trị nhiều hơn là đầu tư công thuần túy hoặc đầu tư tư nhân thuần túy.
Đại diện Công ty kiểm toán Ernst & Young chia sẻ, các dự án PPP có đặc điểm khác nhau, lợi ích mang lại và rủi ro khác nhau. Nhiều nước không quy định cứng lĩnh vực thực hiện dự án PPP, chỉ đưa ra định nghĩa về PPP và nguyên tắc áp dụng.
Hiện tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP. Luật PPP của Hàn Quốc cũng quy định rõ danh sách các lĩnh vực đầu tư PPP; một số luật khác không quy định rõ. Dù việc quy định rõ danh sách lĩnh vực đầu tư PPP tại nhiều quốc gia là khác nhau, nhưng điều quan trọng theo thông lệ quốc tế là lựa chọn được dự án phù hợp thực hiện theo hình thức PPP. Việc chọn dự án tốt sẽ giúp triển khai thuận lợi hơn, không mất thời gian về sau.
Quy trình thực hiện phù hợp với bản chất dự án PPP
Tại Phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng trình tự, thủ tục thực hiện dự án PPP cần phải được quy định riêng tại Luật PPP, phù hợp với bản chất của hình thức đầu tư PPP - khác với đầu tư công thuần túy và đầu tư tư nhân.
Đại diện WB lưu ý thêm quy trình thực hiện tuy quan trọng, nhưng thời gian thực hiện mỗi thủ tục phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan, tính tuân thủ và chế tài xử lý vi phạm. Đi đôi với hoàn thiện trình tự, thủ tục phải nâng cao trách nhiệm giải trình, năng lực thực hiện, còn mỗi quy trình tốt không thể giải quyết được vấn đề.
Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu khuyến nghị nên xây dựng quy trình chuẩn mực, với thời gian cụ thể mỗi bước vì liên quan đến tính toán chi phí tài chính của nhà đầu tư tư nhân và nâng cao tính minh bạch, tránh chậm trễ.
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật PPP diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, do đặc thù của dự án PPP có thể có hoặc không có vốn đầu tư công, nên yêu cầu về quy trình lập, tổng hợp vốn đầu tư công trong dự án, thực hiện dự án khác với dự án đầu tư công thuần túy và dự án đầu tư tư nhân.
Hiện tại trình tự, thủ tục chung về đầu tư PPP hiện được quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP, tuy nhiên nhiều bước trong quá trình xây dựng phụ thuộc vào quy định của các luật nhưng chưa phù hợp với dự án PPP. Trong bối cảnh vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công, quy trình thực hiện dự án PPP hiện nay gần như tương tự một dự án đầu tư công thuần túy, bao gồm các bước: lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng.
Do đó, việc xây dựng Luật PPP, theo Bộ KH&ĐT, sẽ hướng tới một trình tự, thủ tục đầu tư (trong đó có tiêu chí lựa chọn dự án) được quy định chặt chẽ, phù hợp với tính chất dự án PPP, các loại hợp đồng, quy mô và cấp quản lý khác nhau. Đồng thời chú trọng việc cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân cấp, đơn giản, rút gọn để hài hòa giữa thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.