Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này vừa được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Vướng mắc vì chưa có quy định xác nhận thu, chi
Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đã và đang triển khai thực hiện, quản lý 75 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), chủ yếu là các dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Các dự án do Bộ GTVT quản lý có thời gian thu phí hoàn vốn tương đối dài (15 - 24 năm). Việc xác định chính thức thời gian thu phí sử dụng dịch vụ để hoàn vốn dự án được căn cứ vào chi phí đầu tư được quyết toán, cơ cấu nguồn vốn và phụ thuộc vào các chỉ tiêu tài chính (thu - chi) trong giai đoạn kinh doanh, khai thác công trình.
Trong quá trình triển khai thực hiện 75 dự án PPP nói trên, Bộ GTVT gặp một số khó khăn, vướng mắc trong đàm phán, ký kết hợp đồng và quản lý thực hiện hợp đồng do chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc xác nhận các khoản thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác phục vụ công tác thanh lý hoặc chấm dứt hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên, năm 2017, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cũng như đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc xác nhận thu, chi trong giai đoạn kinh doanh khai thác đối với dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức PPP. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chấp thuận và giao Bộ Tài chính hướng dẫn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, văn bản hướng dẫn nói trên vẫn chưa được ban hành.
Bên cạnh đó, theo Bộ GTVT, trong các nghị quyết, quyết định liên quan đến hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án PPP nói chung và dự án BOT nói riêng không có quy định về việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quyết toán hợp đồng đối với nhà đầu tư.
Đề xuất điều chỉnh nhiệm vụ
Bộ GTVT cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao xây dựng, ban hành văn bản quy định quy trình quyết toán hợp đồng với nhà đầu tư tại Nghị quyết 20 thì cần phải ban hành quy định cụ thể về đối tượng áp dụng (bao gồm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ GTVT và không thuộc Bộ GTVT); quy định hướng dẫn về biểu mẫu, hồ sơ, thời gian, trình tự, thủ tục và cách thức thực hiện. Như vậy, trường hợp Bộ GTVT ban hành hướng dẫn các nội dung trên bằng hình thức “thông tư hướng dẫn” sẽ không phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do trong các luật: Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng… đều không quy định quyền hạn của Bộ trưởng Bộ GTVT được ban hành văn bản có loại quy định này.
Còn trường hợp Bộ GTVT ban hành văn bản quy định theo hình thức là “quyết định cá biệt” thì chỉ quy định nội bộ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ GTVT, chứ không thể quy định áp dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân không thuộc Bộ như nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án…
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất, trước mắt, Bộ sẽ ban hành quy định quy trình nội bộ “xác nhận thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác đối với các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý” để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ GTVT thực hiện công tác quản lý được giao.
Còn về lâu dài, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định xác nhận các khoản thu, chi trong giai đoạn kinh doanh khai thác dự án và thanh lý hợp đồng dự án đối với nhà đầu tư. Quy định này của Bộ Tài chính sẽ bao hàm quy định pháp lý hướng dẫn chung trên phạm vi cả nước, chứ không hướng dẫn riêng cho các dự án PPP do Bộ GTVT quản lý.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại nhiệm vụ của Bộ GTVT tại Nghị quyết 20 “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành văn bản quy định quy trình quyết toán hợp đồng đối với nhà đầu tư” sang Bộ Tài chính “chủ trì xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định xác nhận các khoản thu, chi trong giai đoạn kinh doanh khai thác dự án và thanh lý hợp đồng dự án đối với nhà đầu tư”.