Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động bán hàng thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Nhã Chi |
Nghịch lý thị trường
Theo VSA, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh thép gặp nhiều khó khăn. Tính chung 6 tháng, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu thép đạt 3,45 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, lượng thép nhập khẩu đang có xu hướng tăng. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, lượng sắt thép nhập khẩu đạt 958 nghìn tấn, tăng 14,3% so với tháng 5/2023. Tính đến hết quý II/2023, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 5,56 triệu tấn với trị giá là 4,77 tỷ USD. Nhập khẩu sắt thép các loại từ Trung Quốc tăng trong khi lại giảm mạnh ở các thị trường chính khác. Cụ thể: nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 3,07 triệu tấn, tăng 3,6%; từ Nhật Bản đạt 903 nghìn tấn, giảm 11,9%; từ Hàn Quốc đạt 510 nghìn tấn, giảm 24,9%...
“Thực tế này đang đẩy các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có DN sản xuất thép trong nước vào tình cảnh vô cùng khó khăn”, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam chia sẻ.
Đề cập về nguyên nhân của tình trạng này, VSA cho hay, thép nhập khẩu đa phần được hưởng mức thuế 0%. Theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.
Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ. Các sản phẩm thép khác đều không phải chịu biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu
Để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước, VSA vừa có văn bản kiến nghị lên cấp thẩm quyền đề nghị xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam; tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp. Bên cạnh đó là xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu...
Ghi nhận phản ánh của VSA, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền về các kiến nghị của Hiệp hội, xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, chỉ đạo của Chính phủ là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Sưa, nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc… đã áp dụng triệt để hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Theo đó, sản phẩm xuất khẩu sang các nước này đều yêu cầu chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu.
Tại Việt Nam, ngành thép đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất, trong đó có phòng vệ thuế quan (chống bán phá giá, chống trợ cấp) và phi thuế quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh DN trong nước khó khăn và phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu, cần có thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng thép nhập khẩu nhằm bảo vệ các DN sản xuất chân chính trong nước.
Nhiều DN thép mong rằng, Nhà nước sẽ sớm “xây dựng hàng rào kỹ thuật mềm” để hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh từ nước ngoài.
Đánh giá cao sự cần thiết xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chất lượng thép ngoại, song ông Tống Văn Nga cũng cho rằng, các DN trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu thị trường… nhằm tăng sức cạnh tranh cho thép Việt.