Xây niềm tin dài hạn cho thị trường TPDN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến ngày 13/8/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam có quy mô 1,21 triệu tỷ đồng, tương ứng 11,7% GDP năm 2023 nhưng trong lòng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi có tới 27% lượng trái phiếu khó hoàn tất nghĩa vụ nợ đến hạn.
Tỷ lệ chậm trả gốc và lãi trái phiếu đã giảm so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Ảnh: Lê Tiên
Tỷ lệ chậm trả gốc và lãi trái phiếu đã giảm so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Ảnh: Lê Tiên

Để thị trường phát triển sâu rễ bền gốc, các chuyên gia cho rằng, cần nhất là phải cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu lực của Luật Phá sản, bởi nếu cứ gia hạn nợ với những doanh nghiệp không thể phục hồi khả năng trả nợ thì tình hình sẽ khó sáng sủa hơn.

Những khoảng sáng, tối trên thị trường

Theo số liệu từ FiinGroup, từ đầu năm đến ngày 13/8/2024, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 240 nghìn tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 11,7% GDP năm 2023. Về cơ cấu phát hành, trái phiếu do ngân hàng phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,54% tổng giá trị phát hành. Số dư nợ trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 là 315 nghìn tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334 nghìn tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản, số dư nợ đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60 nghìn tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135 nghìn tỷ đồng.

Một thống kê khác cho biết, tháng 7/2024 có 5 trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam (Sunrise), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và một doanh nghiệp khác với tổng giá trị TPDN lưu hành là 1,24 nghìn tỷ đồng, giá trị thấp hơn so với tháng trước. Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 7/2024 ở mức 15,1%, giảm so với mức 15,6% ở cuối tháng 6/2024. Tại thời điểm cuối tháng 5/2024, tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường là 15,9%.

Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính FiinGroup cho biết, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các tổ chức phát hành đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu nợ trái phiếu.

Phát biểu tại Hội thảo "Phát triển thị trường TPDN hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực đáo hạn TPDN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực một số quy định cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ. Với khung pháp lý mới, khoảng 60% DN đã gia hạn trái phiếu 2 năm (điểm rơi đáo hạn sẽ vào tháng 6/2025), một số DN khác chủ động mua lại trái phiếu và bắt đầu phát hành trở lại để tìm vốn mới. Ngoài ra, thị trường bất động sản dần ấm lên, nhiều DN sẵn sàng và có cơ hội bán tài sản để trả nợ.

Ở chiều ngược lại, TS. Cấn Văn Lực nhắc đến điểm yếu vẫn là niềm tin thị trường. Dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm nổi cộm, nhưng niềm tin nhà đầu tư vẫn chưa hết tổn thương. Bên cạnh đó, rủi ro TPDN đáo hạn nhưng không thể thanh toán là cao với ước tính khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới. Bên cạnh đó, thị trường TPDN đang phát triển chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ (chiếm 92-95%). Ngân hàng thương mại hiện nay là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… đang chiếm tỷ trọng nhỏ.

Từ góc độ nhà quản lý, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) nhìn nhận, thị trường TPDN có bước tiến tích cực, trong đó đáng chú ý là hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động kể từ ngày 19/7/2023. Sau 1 năm vận hành, tính đến cuối tháng 7/2024, giá trị TPDN niêm yết đạt khoảng 773 nghìn tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Dù vậy, theo ông Tô Trần Hòa, thị trường vẫn còn một số điểm hạn chế, nhất là tình hình tài chính của một số tổ chức phát hành, thiếu minh bạch về thông tin tài chính dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn. Một số tổ chức cung cấp dịch vụ vẫn có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không cung cấp đầy đủ thông tin về TPDN, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua TPDN, sản phẩm tiết kiệm linh hoạt…

Mấu chốt là minh bạch và chấp nhận quy luật đào thải

Để phát triển thị trường TPDN, ông Tô Trần Hòa cho rằng, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán TPDN ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các DN phát hành đa dạng các loại trái phiếu; phát triển các sản phẩm TPDN cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển hạ tầng.

TS. Cấn Văn Lực thì khuyến nghị, năm 2024 và năm 2025 cần tập trung củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, hoàn thiện cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo…

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, mấu chốt vận hành thị trường hiệu quả là phải minh bạch. “Có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch. Trước hết là minh bạch từ nội tại của DN bằng các biện pháp kiểm toán, thanh tra/kiểm tra của cơ quan quản lý, chế độ báo cáo, công bố thông tin bắt buộc...”, ông nói. Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm là kinh nghiệm được minh chứng ở thị trường quốc tế, giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn.

Ông Quỳnh nhấn mạnh, việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản là rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng gia hạn trái phiếu chậm trả nợ hiện nay. Sự phát triển phải dựa trên quy luật đào thải. Do đó, DN có thể gia hạn nợ nhưng cơ chế, cách thức đàm phán thì phải thực chất và có đào thải. Nếu cứ gia hạn với những DN không thể phục hồi khả năng trả nợ thì tình hình có thể còn tệ hơn.

Tin cùng chuyên mục