Xây trạm BOT: Xem lại quy trình lấy ý kiến người dân

(BĐT) - Thời gian qua, người dân, chủ phương tiện lưu thông nhiều nơi thể hiện sự bức xúc, phản đối trạm thu phí BOT. Theo nhiều ý kiến, sự phản đối này xuất phát từ việc khi đặt trạm người dân không được tham vấn và vẫn còn sự bất công bằng trong mức thu phí.
Sự phản đối của người dân đối với một số trạm BOT là do họ phải trả phí một cách bất công bằng. Ảnh: Lê Tiên
Sự phản đối của người dân đối với một số trạm BOT là do họ phải trả phí một cách bất công bằng. Ảnh: Lê Tiên

Đóng phí oan, người dân phản đối

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hệ thống quốc lộ hiện nay có 88 trạm thu phí, trong đó 58 trạm đạt khoảng cách liền kề trên 70km, 10 trạm đạt khoảng cách 60 - 70km, 20 trạm có khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn 60km (không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km). Trong một số trường hợp vị trí trạm không đảm bảo khoảng cách theo quy định do các nguyên nhân như vị trí trạm gần khu dân cư, dự án hoàn vốn cho các công trình đặc thù như cầu lớn, hầm đường bộ,…

Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều khẳng định, đối với các trường hợp này, hai Bộ đều thực hiện đúng quy trình về các thủ tục liên quan đến xác định vị trí trạm thu phí, có thỏa thuận với địa phương.

Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành vẫn còn một số ý kiến khác nhau về vị trí trạm và tính công bằng của người sử dụng. Thực tế những ngày qua người dân Hà Tĩnh đã liên tục phản đối Trạm thu phí cầu Bến Thủy đặt sai vị trí, khiến người dân phải đóng phí oan.

Nhiều ý kiến chỉ ra, các Bộ đã thực hiện đúng quy trình tham vấn địa phương, nhưng quá trình địa phương tham gia ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí chủ yếu giao cho các cơ quan chuyên môn chủ trì thỏa thuận; chưa tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu quốc hội và các đối tượng sử dụng đường. Rõ ràng quy trình lấy ý kiến địa phương trong rất nhiều trường hợp chưa đến được với người dân – những người trực tiếp trả phí BOT.

“Khi đặt trạm BOT phải lấy ý kiến người dân, còn lãnh đạo địa phương ai cũng sẽ ủng hộ. Nhà đầu tư phải giải thích rõ cho dân, mọi người sẽ đồng tình. Lấy ý kiến đầy đủ, đa chiều thì quy trình sẽ đúng đắn”, ông Nguyễn Văn Thanh Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh, nếu DN BOT tử tế, người dân sẽ hiểu điều đó và không gây khó khăn gì. 

Mức phí cần tương ứng mức độ sử dụng

Nhiều chủ phương tiện cho rằng việc phải trả phí qua trạm thu phí BOT của các dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường là phí chồng phí vì họ đã nộp phí sử dụng đường bộ.
Sự phản đối của người dân đối với một số trạm BOT còn do họ đang phải trả phí một cách bất công bằng, không tương xứng với mức sử dụng dịch vụ.

Theo Bộ GTVT, trên thế giới chỉ có 2 hình thức thu phí là thu phí lượt và thu phí theo chiều dài đường sử dụng. Đối với hình thức thu phí kín, người dân trả phí trên số km thực đi và đảm bảo công bằng nhưng chỉ áp dụng được với đường cao tốc vì kiểm soát được sự ra, vào của các phương tiện. Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối. Người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí, trong khi đó những người đi quãng đường dài 50 - 60km ở khoảng cách giữa hai trạm thu phí thì vẫn không phải trả phí.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra, quy định về mức phí của các dự án BOT đường bộ chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc mức phí phải tương ứng với dịch vụ cung cấp. Thông tư số 159/2013/TT-BTC quy định khung phí cho từng loại phương tiện khi đi qua trạm thu phí, không phân biệt theo chiều dài đoạn tuyến đầu tư hay số km thực tế mà phương tiện đi qua và chưa phân biệt mức phí giữa trường hợp dự án đầu tư xây dựng mới và dự án nâng cấp, bảo trì đường bộ. Quy định như trên dẫn đến tình trạng chủ phương tiện lưu thông với khoảng cách khác nhau song vẫn phải trả mức phí như nhau. Ví dụ, Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, tỉnh Thái Bình dài 5,4km mức thu phí cũng tương ứng với một số dự án BOT trên Quốc lộ 1 với quy mô xây dựng 20 - 30km. Đây là một trong những lý do dẫn đến sự không đồng thuận của người dân ở một số trạm BOT.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết, nhiều chủ phương tiện cho rằng việc phải trả phí qua trạm thu phí BOT của các dự án cải tạo, nâng cấp mặt đường là phí chồng phí vì họ đã nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện vào Quỹ Bảo trì đường bộ. Nguyên nhân chính là do quy định của pháp luật hiện hành cho phép áp dụng hình thức hợp đồng BOT cho cả dự án đầu tư xây dựng mới và dự án cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông hiện có, không phân định giữa việc bảo trì đường bộ và cải tạo, nâng cấp mặt đường. Việc xây dựng một loạt các dự án BOT buộc các phương tiện lưu thông phải chi trả phí (giá) dịch vụ trong khi Nhà nước không xây dựng các tuyến đường song song để cho người dân lựa chọn đã khiến một bộ phận người dân bức xúc.

Bộ Tài chính kiến nghị cần nghiên cứu ban hành nguyên tắc xác định mức giá sử dụng dịch vụ hạ tầng giao thông của các dự án BOT đảm bảo tương xứng với chất lượng dịch vụ cung cấp và số km thực tế mà các chủ phương tiện sử dụng.

Tin cùng chuyên mục