Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp giảm 50% thời gian đi từ Hà Nội đến Lào Cai. Ảnh: Lê Tiên |
Thế nhưng, với diện mạo hạ tầng giao thông như hiện nay, có lẽ không thể phủ nhận sự đóng góp không nhỏ của khu vực tư nhân.
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến nay Bộ đã huy động được khoảng 209.732 tỷ đồng để đầu tư 68 dự án theo hình thức PPP, trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 63 dự án, đang triển khai đầu tư 5 dự án. Nhiều công trình đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân được đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp giảm 50% thời gian đi từ Hà Nội đến Lào Cai; Quốc lộ 1 Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại… Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong ở thời kỳ trứng nước, khởi đầu đầy khó khăn, đầu tư xây dựng các công trình BOT lớn, như Đèo Cả, Tasco, Trường Thịnh, Sơn Hải… Một lượng lớn nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất trong nước đã được tiêu thụ cho các công trình BOT, hàng vạn việc làm đã tạo ra cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP - Bộ GTVT, nên có một cái nhìn khác đối với nhà đầu tư BOT, bình đẳng, chia sẻ hơn. Ở góc độ quản lý nhà nước, giám sát hợp đồng BOT quy định giá trị quyết toán là căn cứ để xác định lại thời gian thu phí hoàn vốn. “Nhà đầu tư không thu lợi thêm gì, ngoài lợi nhuận quy định”, ông Huy nói. Đồng thời cho biết, vừa rồi đối với 63 dự án hoàn thành đưa vào khai thác đã có 117 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, không khác dự án ngân sách nhà nước, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy không có chuyện ăn gian thời gian thu phí, mức phí.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết thêm, thời gian qua, các dự án BOT có thời gian thu phí chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký với nhau, mà lẽ ra phải dựa vào giá trị quyết toán trên cơ sở kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước vì quản lý như dự án công. Như vậy là có bên thứ ba để đánh giá kết quả tổng mức đầu tư, sau đó mới xác định. “Cơ quan nào có chức năng thanh tra, kiểm tra đều vào thanh, kiểm tra dự án BOT, rồi đến giờ chứng minh là đã làm tương đối chính xác”, ông Kiên chia sẻ. Về tồn tại, theo ông Nguyễn Đức Kiên là chưa giám sát chặt hoạt động thu phí của doanh nghiệp BOT do không áp dụng khoa học công nghệ, thu phí theo phương thức cũ.
Thời gian tới, theo Bộ GTVT, nguồn lực đầu tư sẽ tiếp tục thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu. Sự tham gia của khu vực tư nhân để bổ sung nguồn lực là rất cần thiết. Theo nhiều chuyên gia, dự án PPP được thực hiện vì Nhà nước không có đủ khả năng thực hiện đầu tư công trình, hạ tầng công theo nhiệm vụ của mình. Đó là những dự án mà đáng lẽ Nhà nước phải làm. Sự tham gia của tư nhân giúp Nhà nước có được công trình, dự án phục vụ người dân. Vì thế, cần phải có cách nhìn cân bằng hơn, khi tư nhân chia sẻ nguồn lực, thì phía Nhà nước cũng cần chia sẻ cả quyền và trách nhiệm, rủi ro.
Song song với đó, theo nhiều ý kiến, sự minh bạch, công khai một cách thực chất đối với dự án BOT cũng sẽ là cách hiệu quả nhất để có cái nhìn đúng, chính xác về dự án BOT, nhà đầu tư BOT, vì sự chưa rõ ràng về thông tin, đẩy người dân vào thế đã rồi trong một số trường hợp chính là nguyên nhân dẫn đến phản ứng tiêu cực.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao Dự thảo Luật PPP có quy định về giám sát cộng đồng, có quy trình tham vấn công khai đối với dự án BOT. Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị Hội đồng nhân dân nên thuê công ty tư vấn để đánh giá, thẩm định, từ đó có sự tham gia góp ý một cách chính xác, có cơ sở.