Xốc lại việc cải cách môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết 01/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành thể hiện rõ quyết tâm lồng ghép các nỗ lực cải cách vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng cải cách mang tính cơ học. Giới chuyên gia cho rằng, mức độ quyết tâm thực hiện cải cách thể chế là một trong những yếu tố sống còn đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tích tụ nguồn lực cho dài hạn.
Chính phủ yêu cầu phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 và các mục tiêu năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ yêu cầu phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 và các mục tiêu năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 được đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 và các mục tiêu năm 2023.

Bên cạnh đó là mục tiêu nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, tránh lãng phí chi phí của xã hội.

Chính phủ cũng yêu cầu, chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp…

Đánh giá về việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định: “Bước vào năm 2023, Việt Nam càng phải nhìn nhận yêu cầu đổi mới để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Cách thức cải cách cần đổi mới quyết liệt hơn. Việc lồng ghép nội dung về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh vào Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023, thay vì ban hành trong 1 Nghị quyết 02/NQ-CP như những năm trước, càng thể hiện quyết tâm lồng ghép các nỗ lực cải cách vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng “cải cách chỉ vì cải cách”.

Chính phủ yêu cầu rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, lãng phí. Ảnh: Nhã Chi

Chính phủ yêu cầu rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, lãng phí. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông Dương, trong nỗ lực cải cách, yếu tố con người là rất quan trọng. Bắt nhịp vào đổi mới phương thức quản trị và điều hành cùng với tăng năng suất lao động quốc gia sẽ là những yêu cầu cấp thiết. Điểm quan trọng là Việt Nam phải tự “nhìn thẳng” các vấn đề và yêu cầu của nền kinh tế, của lực lượng lao động, từ đó thu hút sự đồng hành của các đối tác phát triển để cải cách đi đến thành công.

Về cải cách thể chế, GS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2022, dường như những cải cách thể chế bị chững lại và ảnh hưởng nhiều mặt đến nền kinh tế. Đơn cử, đầu tư công tiếp tục không đạt kế hoạch, chứng tỏ chưa có sự cải thiện thể chế; trong năm, tổng cung xăng dầu của Việt Nam vẫn ổn định song đại lý bán lẻ có lúc không cung ứng được là do cơ chế quản lý chưa theo kịp với thị trường. Do đó, ông Đạt đề xuất, trước hết, cần nhìn nhận đúng và cụ thể các vấn đề phải cải cách và xác định rõ mục tiêu cải cách là để giúp doanh nghiệp thuận lợi trong kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mức độ quyết tâm thực hiện các cải cách thể chế, thay đổi phương thức quản lý theo hướng ngày càng hoàn thiện cơ chế thị trường, qua đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp là một trong những yếu tố sống còn với sự phát triển vững chắc của kinh tế Việt Nam.

Trong quá trình cải cách, các chuyên gia cho rằng, cần lưu ý việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, trước hết được đảm bảo bằng sự tự chủ, tự quyết định trong việc sử dụng tài sản, tiền bạc của mỗi chủ thể, mà không bị bất kỳ sự can thiệp nào từ phía Nhà nước hay của người nào khác. Cùng với đó là khả năng cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng, tạo nên các quyền tự do kinh tế và đảm bảo cho môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp doanh nghiệp có khả năng trụ lại và vươn lên trên thương trường.

Để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn trong năm 2023, Chính phủ, Quốc hội ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí của tự do kinh tế là những ưu tiên quan trọng. “Trong quá trình cải cách thể chế, bản thân cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước cũng phải có tư duy thích ứng với bối cảnh biến động, không nên có sự nóng vội để rồi can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất hành chính mệnh lệnh và phi thị trường”, ông Việt nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục