Công trình kè đường phục vụ du lịch ven biển Thuận An (TP. Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế tan hoang sau bão Trami. Ảnh: Hà Minh |
Tiền tỷ trôi ra biển
Sau bão Trami, công trình kè đường du lịch phục vụ bãi tắm Thuận An (Huế) bị hư hỏng nghiêm trọng. Đây là công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Bão đổ bộ vào Thừa Thiên Huế với cấp gió khá lớn và sóng biển tràn dâng cao vào đất liền đã đánh vỡ vụn những mảng bê tông lắp dựng, với chiều dài hư hỏng khoảng 150m. Sự cố thiên tai đặt ra yêu cầu về biện pháp khẩn cấp để hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư và hạ tầng du lịch của Thừa Thiên Huế. Biện pháp khẩn cấp là cần nghiên cứu, đầu tư phát triển mở rộng dự án Kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải nhằm ứng phó hiệu quả tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển luôn diễn ra diễn ra mỗi khi mùa mưa bão đến.
Lại có những công trình vừa thi công xong thì nguồn vốn đầu tư ngay lập tức bị cuốn phăng ra biển như công trình kè chống xói lở dài gần 2,4 km được đầu tư 80 tỷ đồng, do UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tân Lập (trụ sở tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng trị giá 62,4 tỷ đồng. Tại hiện trường, kè bê tông chắn sóng với chiều dài gần 1 km bị sóng biển đánh gãy thành từng khúc, nhiều vị trí bị sóng đánh vỡ toác, đổ sập, trôi ra biển mất dấu…
Sau sự cố, hàng loạt vấn đề được UBND tỉnh Bình Định chỉ ra như Nhà thầu tự ý thay đổi biện pháp thi công; đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng SPQD (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thiếu kinh nghiệm trong thiết kế các công trình kè biển; đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán là Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ thủy lợi (thuộc Tổng cục Thủy lợi) thiếu trách nhiệm trong thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đơn vị giám sát là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Phát triển Bình Định không tiến hành giám sát, lập biên bản báo cáo Chủ đầu tư và các bên liên quan khi đơn vị thi công thay đổi biện pháp thi công, chưa thực hiện hết trách nhiệm; Ban QLDA ĐTXD huyện Hoài Nhơn (đơn vị được giao quản lý dự án) không hoàn thành nhiệm vụ được giao khi không phát hiện được những sai sót trong thiết kế, các thay đổi biện pháp thi công để kịp thời báo cáo Chủ đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định phải chịu trách nhiệm về thẩm định dự án đầu tư và thiết kế cơ sở của công trình. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị liên quan nào chịu trách nhiệm. Để vá lỗi, Ban QLDA ĐTXD huyện (nay là thị xã) Hoài Nhơn còn đề nghị Tỉnh cấp thêm kinh phí để… làm mới công trình.
Cân nhắc giải pháp thi công
Nhắc đến các công trình kè bảo vệ bờ biển tại miền Trung, bờ biển Hội An (tỉnh Quảng Nam) có lẽ là địa chỉ tập trung số lượng công trình lớn nhất. Đầu năm 2010, dự án thi công kè bê tông cốt thép mái nghiêng dài 851 m, kinh phí 68,3 tỷ đồng được triển khai, sau đó bị đánh sập một số đoạn vào năm 2018; năm 2014 triển khai Dự án kè theo phương pháp kè mềm túi địa kỹ thuật dài 415 m, kinh phí gần 20 tỷ đồng; năm 2015 thực hiện Dự án kè mềm bằng túi Geotube dài 1.020 m, kinh phí 55,5 tỷ đồng; năm 2016 phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển TP. Hội An với tổng kinh phí đầu tư 80 tỷ đồng; năm 2018, tỉnh Quảng Nam tiếp tục chi hơn 54 tỷ đồng đầu tư xây dựng kè biển Cửa Đại, đoạn từ Resort Victoria về hướng Tây Bắc Hội An; năm 2021, từ nguồn vốn do Trung ương phân bổ hơn 300 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam triển khai công trình chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, TP. Hội An; năm 2022 là 210 tỷ đồng thực hiện Dự án xây dựng tuyến đê ngầm dài 1.030 m nối tiếp với Dự án chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An kết hợp với việc nạo vét Cửa Đại về phía Bắc. Hiện nay, dự án gần 1.000 tỷ đồng “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” từ nguồn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang tiến hành thủ tục đấu thầu 2 gói xây lắp.
Trong loạt dự án trên, theo ghi nhận của các chuyên gia, hiện chỉ có Dự án kè theo phương pháp kè mềm túi địa kỹ thuật và Dự án kè mềm bằng túi Geotube phát huy tác dụng, tuyến đê ngầm mới đưa vào sử dụng tháng 9/2024 nên chưa đánh giá được hiệu quả.
Nhiều địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung liên tục được đầu tư các công trình bảo vệ bờ biển nhằm mục đích giữ đất, giữ làng, phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, lỗi trong quá trình thiết kế dự án - đấu thầu - triển khai thi công - giám sát, thẩm định chất lượng là một tồn tại thực tế, cần được nhận diện, xử lý nghiêm khắc.
Cùng với đó, một số chuyên gia cho rằng, việc có nên tiếp tục giải pháp thi công kè bê tông cốt thép đối với những khu vực sạt lở bờ biển hay không cũng cần cân nhắc lại. Tại nhiều hội nghị, hội thảo. TS. Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan cho rằng, tuyệt đối không nên làm kè bê tông hay đường bê tông trên bãi cát ven biển. Nếu để tự nhiên thì cát lở trong năm này sẽ được bồi lại vào năm khác, còn nếu kè bê tông thì cát “chỉ có đi không trở lại”.
Theo ông Huy, những can thiệp của con người trong việc lấn biển và bê tông hóa bờ biển luôn tạo ra các sai lầm và hệ lụy. Bài học ở Mũi Né (Bình Thuận), Cửa Đại và An Bàng (Hội An), Cửa Tùng (Quảng Trị) cho thấy rõ việc kè biển trên nền cát sẽ càng khiến bờ biển bị sóng cuốn trôi đi. Các công trình kè biển nếu không tính toán các dòng chảy biển mà làm kè bê tông thì sóng sẽ cuốn mất cả bãi cát kèm các công trình. Hậu quả là vừa mất tiền đầu tư, vừa mất đi bãi cát vốn dĩ được thiên nhiên tạo dựng và vận hành hàng trăm năm. Theo đó, tìm cách ứng phó với thiên tai tiết kiệm và hiệu quả nhất là bài toán lớn cần lời giải khả thi hơn.