Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Ảnh: Lê Tiên |
Dù vậy, kết quả vẫn chỉ dừng lại ở một vài việc làm cụ thể, mà chưa nhìn thấy quá trình này có sự thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô, tốc độ.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ cho biết, trong năm 2017, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu năm 2017, các bộ, ngành đã “xắn tay” triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định. Tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu đã đề ra là 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Lạm phát cả năm dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra… Thứ bậc xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có bước đột phá rõ nét.
Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan. Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Hệ số tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng từ “ổn định” lên “tích cực”. Nguồn vốn tín dụng thông qua các tổ chức tín dụng được tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Điểm nổi bật nữa là hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Tốc độ tăng giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân đã tăng từ 8,42% năm 2015 lên 11,4% năm 2016, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP từ 7,4% năm 2015 lên 7,8% năm 2016. Các bộ, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) đã có sự cải thiện. ICOR của nền kinh tế năm 2017 ước đạt 6,27, giảm nhẹ so với mức 6,41 của năm 2016. Luật Đầu tư công mặc dù còn hạn chế nhưng cũng đã khắc phục dần việc quyết định đầu tư công lãng phí và tràn lan, qua đó, góp phần cải thiện hiệu quả đầu tư.
Đạt được nhiều kết quả tích cực nêu trên, song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế vẫn còn những điểm nghẽn và khoảng cách giữa chính sách và thực thi vẫn còn hiện hữu.
Tập trung xử lý các điểm nghẽn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến thời điểm này, thời gian thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ không còn dài, mặc dù vậy, một số chính sách đã được ban hành vẫn chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ rệt. Vì vậy, trong giai đoạn 2018 - 2020, hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế cần phải được đẩy mạnh để thực chất hơn.
“Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ và là động lực hàng đầu để duy trì tốc độ tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện tại, cải cách kinh tế đang có đà, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Chính phủ đã yêu cầu phải bãi bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh bất hợp lý; các bộ, ngành đang tích cực vào cuộc để hiện thực hóa mục tiêu này. Cần tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ, theo dõi, giám sát việc thực hiện. Chỉ khi các rào cản về đầu tư, kinh doanh được xóa bỏ thì mới có thể tạo ra những bứt phá trong tăng trưởng. “Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2018 - 2020 phải theo hướng mạnh mẽ hơn, thị trường hơn, dứt khoát hơn, chứ đừng lưỡng lự, đừng chệch hướng”, ông Cung nêu quan điểm.
Để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong giai đoạn 2018 - 2020, Việt Nam cần phải tập trung xử lý các điểm nghẽn tái cơ cấu kinh tế. Theo đó, cơ cấu lại nền kinh tế phải được đẩy mạnh đồng thời với hai trụ cột bổ trợ và tăng cường lẫn nhau. Một mặt, đẩy mạnh đổi mới toàn diện quản lý nhà nước về kinh tế, cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo và hiệu quả. Từng bước giảm thiểu vai trò kinh doanh, đầu tư trực tiếp của Nhà nước, qua đó để thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong huy động và phân bổ các nguồn lực xã hội. Mặt khác, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng nội ngành của nền kinh tế. Đồng thời, cơ cấu lại nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường…