Ảnh Internet |
Giải quyết điểm yếu này, mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế.
Có vấn đề ở nhiều lĩnh vực
Nghiên cứu về xây dựng tiêu chí giám sát quá trình và kết quả cơ cấu lại nền kinh tế vừa được CIEM công bố mới đây đã chỉ ra hàng loạt vấn đề cần tiếp tục giải quyết. CIEM cho rằng, các hành động cải cách thể chế chủ yếu mới dừng ở các nghị quyết và chỉ đạo chung được ban hành. Các chỉ tiêu tác động về nâng cao năng suất, hiệu quả, tính bền vững của nền kinh tế chưa được cải thiện. Đồng quan điểm, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá, nhìn trên bình diện diễn tiến thì đúng là quá trình này khá chậm, chưa đạt được kỳ vọng.
Theo CIEM, trong giai đoạn 2014 - 2016, hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đi vào thực chất, chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. So sánh với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, thì quản trị DNNN trên thực tế chưa có tiến bộ đáng kể, thậm chí thấp hơn so với yêu cầu của pháp luật hiện hành. Số lượng DN 100% vốn nhà nước giảm nhờ cổ phần hóa, song tỷ trọng vốn nhà nước tại các ngành nghề cơ bản không thay đổi, chưa làm giảm tỷ trọng nắm giữ tài sản của DNNN và không giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh của DNNN.
Hoạt động cơ cấu lại đầu tư công cũng chưa đạt được mục tiêu đáng kể, quy mô đầu tư công vẫn lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu đề ra. Đặc biệt, theo TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Ban Chính sách đầu tư thuộc CIEM, thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam đang có rất nhiều khoảng trống cần bù đắp, đặc biệt ở hai giai đoạn sau của quản lý đầu tư công, đó là lựa chọn dự án và thực hiện dự án. Khâu yếu nhất là lựa chọn dự án, đặc biệt là thẩm định dự án. Cơ cấu lại đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư…
Ở lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu của ngân hàng tiếp tục giảm nhưng chưa thực chất. Nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu còn lớn. Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC, và chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng). Số nợ xấu này tương đương với khoảng 38% tổng số nợ xấu đã được xử lý. Lãi suất cho vay có giảm nhưng khó đạt mức cạnh tranh so với ASEAN-4.
Làm gì để tăng tốc và hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế?
Theo đề xuất, Ban Chỉ đạo có vị thế độc lập với các bộ chuyên ngành với sứ mệnh là thúc đẩy cơ cấu lại và năng suất tổng thể nền kinh tế. Ban sẽ có đội ngũ nhân sự có uy tín, tâm huyết và trình độ chuyên môn cao. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm giải trình với Ban Chỉ đạo về các vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế.
Tỏ rõ quan điểm đồng tình với đề xuất của CIEM, ông Bùi Tất Thắng chỉ ra, thực tế sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Nếu được thành lập, Ban Chỉ đạo chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Trước một số ý kiến không đồng tình với đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo bởi thực tế các bộ, ngành, địa phương cũng đã nắm rất rõ tinh thần này, ông Thắng nói: “Nhẽ ra thành lập Ban là không cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là những người đứng đầu các cơ quan luôn thúc giục đẩy mạnh tái cơ cấu, nhưng đội ngũ phía dưới không chịu thực hiện, không chuyển động…”.
Ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc khối thị trường Công ty TNHH KPMG thì cho rằng, hoạt động cơ cấu lại liên quan nhiều lĩnh vực, do đó trong giai đoạn tới phải giải quyết tổng thể các vấn đề tồn tại để phát triển kinh tế bền vững.
Báo cáo nghiên cứu của CIEM cũng kiến nghị một số giải pháp tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn từ nay đến 2020 như: chuyển trọng tâm điều hành hướng sâu hơn vào tăng năng suất để tăng trưởng thịnh vượng và phúc lợi xã hội; Nghị quyết 01 do Chính phủ ban hành hàng năm nên tập trung vào các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất thông qua giảm chi phí và gia tăng giá trị trong từng doanh nghiệp, từng ngành và toàn bộ nền kinh tế…