Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: Song Lê |
Chinh phục thị trường khó tính bậc nhất thế giới
Ông Bình cho biết, trước khi có EVFTA, XK mặt hàng gạo thơm của Trung An vào châu Âu gần như chưa có gì, nhưng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Công ty đã có những đơn hàng từ châu Âu với khối lượng hàng nghìn tấn.
“EVFTA đã mang lại những lợi ích rất lớn cho XK gạo của Việt Nam. Hạt gạo Việt có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều so với các nước XK gạo khác nhờ mức thuế suất 0%”, ông Bình nhìn nhận.
Nhưng cái được lớn hơn với những doanh nghiệp (DN) XK gạo như Trung An, theo lãnh đạo DN này, chính là cơ hội để các nhà sản xuất, canh tác nông nghiệp của Việt Nam nâng cao hơn nữa chất lượng, chứ không đơn thuần là số lượng, bởi châu Âu là một thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao. Chưa kể, khi gạo Việt Nam vào được thị trường châu Âu thì sẽ dễ dàng nâng cao sức cạnh tranh, vươn rộng sang nhiều thị trường khác. Trên cơ sở đó, trong tương lai gần, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên.
Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2020, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh Trung An còn rất nhiều DN XK gạo khác của Việt Nam được hưởng lợi từ EVFTA như: Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed)… với kim ngạch XK gạo sang châu Âu tăng trưởng đáng kể.
Cùng với mặt hàng gạo, nhiều mặt hàng khác như thủy sản (tôm), hồ tiêu… cũng có sự tăng trưởng tích cực. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, XK sang thị trường EU đạt 34,94 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau 5 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, XK sang EU đạt khoảng 15,38 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi Hiệp định được thực thi.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, các tổ chức đã ủy quyền cấp trên 60.000 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là cà phê, gạo, dệt may, túi xách, va ly, rau quả, mây tre đan, hàng điện tử…
Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, XK của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch hơn 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Riêng thị trường EU, cho dù EVFTA mới đi vào thực thi được khoảng 5 tháng nhưng nhiều DN XK của Việt Nam đã từng bước khẳng định mình để chinh phục thị trường tiềm năng này.
Thay đổi để lên nấc thang cao hơn
Không giấu tham vọng sản lượng gạo XK của Trung An năm 2021 sẽ chiếm ít nhất 30% (tương đương khoảng 24.000 tấn) hạn ngạch xuất khẩu gạo châu Âu cấp cho Việt Nam trong EVFTA, ông Bình cho biết, Trung An đang thực hiện nhiều giải pháp để khẳng định và nâng tầm chất lượng hạt gạo Việt tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. “Việc nâng tầm chất lượng hạt gạo Việt phải là một quá trình thường xuyên và liên tục, không phải đã XK được vào châu Âu rồi mà bằng lòng dừng lại ở đó. Vì thế, ngay trong vụ Đông Xuân tới, DN sẽ loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng của mình. Giải pháp này chắc chắn sẽ giúp gạo của chúng tôi mạnh hơn trên thị trường này do không phải lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Bình chia sẻ.
Cũng nhấn mạnh yêu cầu DN Việt Nam cần thay đổi để tiến sâu, khai thác tốt hơn cơ hội thị trường châu Âu, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - DN XK tiêu số 1 Việt Nam và top 10 về XK cà phê cho biết: “Có nhiều người đặt câu hỏi tại sao chúng tôi làm nông nghiệp nhưng lại ứng dụng kỹ thuật số nhiều thế? Tôi thấy Phúc Sinh cần phải luôn thay đổi để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và hướng đến những kết quả tốt hơn. Thực tế, khi DN triển khai bán hàng trực tuyến được rất nhiều người tiêu dùng ủng hộ, đó là điều tuyệt vời vì chúng tôi được kết nối và phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Vì thế, trên thị trường XK, mặc dù năm 2020 gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng đơn hàng của Công ty vẫn đảm bảo, doanh thu và lợi nhuận không bị ảnh hưởng. Lý do là, Phúc Sinh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nhờ sự sáng tạo, luôn cung cấp các sản phẩm đa dạng, tiện lợi, giá cả cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa quốc tế, đặc biệt là châu Âu, nên rất tự tin đạt kết quả tốt. Hơn nữa, ai ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số nhanh, người đó sẽ đi trước”.
Ngành dệt may cũng được xem là một trong những ngành nghề XK thế mạnh của Việt Nam khi EVFTA được thực thi. Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, sau khi tập trung nghiên cứu các nội dung của Hiệp Định, May 10 xác định cần gỡ nút thắt ở khâu nguyên liệu vải. “Từ trước đến nay DN chỉ tập trung vào lĩnh vực may mặc. Do đó, May 10 đã mời DN từ Ấn Độ, Trung Quốc để liên doanh, liên kết đầu tư vào lĩnh vực dệt”, ông Việt nói.
Không những chú trọng khâu nguyên liệu cho sản xuất nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ, nhiều DN lớn ngành dệt may còn tập trung đầu tư nâng công suất nhà máy với công nghệ tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Từ câu chuyện thực tế của các DN XK, có thể thấy, yêu cầu thay đổi trong “cuộc chơi” đưa hàng Việt vào thị trường 500 triệu dân, quy mô GDP gần 18.000 tỷ USD với sức cầu lớn thứ hai thế giới này là vô cùng cần thiết. Xin mượn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh để khép lại bài viết này: EVFTA không phải "bữa tiệc dọn sẵn chờ chúng ta ngồi", bởi đây là một FTA thế hệ mới chất lượng cao với những yêu cầu khắt khe. Cần tổ chức thực thi tốt Hiệp định bằng sự chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các DN.