Kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên |
Tăng trưởng trong khó khăn
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 5 tháng, cả nước có 22 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch XK. Các mặt hàng có kim ngạch XK lớn có thể kể đến: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng…
XK vào những thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Theo số liệu vừa cập nhật của Bộ Công Thương, kể từ khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Ngày 7/6 vừa qua, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đã được xuất sang châu Âu.
Đặc biệt, trong khó khăn do dịch Covid-19, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2021 của 2 địa phương nằm trong tâm dịch là Bắc Ninh và Bắc Giang cho thấy, 2 địa phương đã có nhiều nỗ lực để duy trì sản xuất kinh doanh, XK của các DN rất ấn tượng.
Cụ thể, tại Bắc Ninh, trong tháng 5, kim ngạch XK ước đạt 2.933 triệu USD, giảm 5,1% so với tháng trước, nhưng tăng tới 36,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng, kim ngạch XK hàng hóa của Tỉnh ước đạt 16.648 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Bắc Giang, một số DN hoạt động ngoài các khu công nghiệp vẫn duy trì sản xuất bình thường với mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, các sản phẩm hàng hóa của Tỉnh, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, đang được thu hoạch và tiêu thụ khá thuận lợi, nhiều thị trường XK được mở rộng.
Đánh giá cao kết quả đạt được, các ý kiến tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, Việt Nam đã từng bước khai thác có hiệu quả các FTA, khả năng gắn kết các chuỗi cung ứng tốt hơn...
Tăng trưởng mạnh những tháng cuối năm
Dự báo về hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định, hoạt động này sẽ tiếp tục khởi sắc khi các FTA dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Một số chuyên gia cũng nhận định, thách thức của các FTA thế hệ mới đã và đang tạo sức ép hợp lý để DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế là thời gian qua, nhiều DN đã nỗ lực thay đổi, có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường EU.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, tình hình XK hàng hóa của Việt Nam nửa cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt do 2 nguyên nhân chính. Một là, so với nhiều quốc gia, mức độ lây lan của dịch Covid-19 tại Việt Nam là nhỏ và được kiểm soát rất tốt. Hai là sự vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. “Việc thực hiện mục tiêu kép này có sự đồng lòng, đồng hành của nhân dân, của DN trong cả nước. Đây là những nền tảng tốt để XK có thể bứt phá trong thời gian tới”, ông Bình bày tỏ.
Mặt khác, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam nhập siêu trở lại trong tháng 5/2021 không đáng ngại mà cho thấy những tín hiệu tích cực. Bởi hoạt động nhập khẩu là để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN, trong đó có DN XK. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang hàn gắn các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng hóa được lưu thông để có nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.