Xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5

(BĐT) - Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu (XK) gạo chiều 28/4, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho XK gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5/2020. 

 
Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, nhờ chuyển đổi thời vụ phù hợp, nên Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lúa (ảnh: Internet)
Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, nhờ chuyển đổi thời vụ phù hợp, nên Đồng bằng sông Cửu Long được mùa lúa (ảnh: Internet)

Thủ tướng nhấn mạnh, đến thời điểm này, nước ta đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19 ở Việt Nam, bảo đảm an toàn căn bản cho người dân, số ca nhiễm thấp, không có người tử vong. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giao thương mạnh mẽ, kể cả đẩy mạnh du lịch nội địa với một số yêu cầu cụ thể. Việc tổ chức sản xuất, hoạt động bình thường của người dân là yêu cầu cấp bách để bảo đảm việc làm, thu nhập, tăng trưởng.

Đặc biệt, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành XK gạo từ tháng 5/2020. Theo đó, từ 1/5/2020 cho hoạt động XK gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ XK gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Trong quá trình điều hành, cần lắng nghe ý kiến đầy đủ của các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, các doanh nghiệp sản xuất lớn và người dân.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP; đồng thời đề nghị 20 thương nhân XK gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp thương nhân không thực hiện, cho phép Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương rà soát nghị định nêu trên để đề xuất sửa đổi, khắc phục các bất cập đã và đang phát sinh trong thực tế.

Bộ Tài chính rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và thực hiện đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia để có giải pháp phù hợp. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho XK gạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm trong việc chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Các thương nhân, nhà đầu tư cần hợp tác trong vấn đề này…

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm nay, Việt Nam có kế hoạch XK 6 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, nhiều nước đã dừng XK gạo để đề phòng tình trạng khan hiếm lương thực có thể xảy ra. Vì thế, chúng ta đã có chủ trương XK có kiểm soát, xem xét tình hình sản xuất vụ lúa để trước hết bảo đảm lương thực cho đất nước, đề phòng bất trắc xảy ra. Đây là việc làm cần thiết. Năm nay, điều đáng mừng là trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do quyết tâm của các địa phương, sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã chuyển thời vụ sớm, có cơ cấu cây trồng hợp lý nên được mùa lúa. “Cùng với an ninh lương thực, phải bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục