Xuất khẩu hàng hóa có thêm tín hiệu tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, 10 tháng năm 2021, xuất khẩu (XK) vẫn giữ đà tăng trưởng với kim ngạch ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, XK đang có những yếu tố thuận lợi nhờ khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường tăng vào dịp mua sắm cuối năm.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2021 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10/2021 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Xuất khẩu trên đà hồi phục

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 10, kim ngạch XK ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước (kim ngạch XK tháng 9 giảm 0,8% so với tháng 8) và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch XK ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7% và chiếm 26,04% tổng kim ngạch XK của cả nước; khu vực kinh tế nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1% và chiếm 73,96% tổng kim ngạch XK của cả nước. Khu vực kinh tế nước ngoài tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch XK của cả nước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 1,45 tỷ USD. “Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu 10 tháng năm 2021 là do các doanh nghiệp (DN) tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất”, Bộ Công Thương lý giải.

Về nhóm hàng và mặt hàng XK, trong 10 tháng, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là “đầu kéo” tăng trưởng XK khi chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch XK của cả nước. Cụ thể, kim ngạch XK của nhóm hàng này ước đạt 230,69 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên là: sắt thép các loại; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện…

Trong 10 tháng năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là “đầu kéo” tăng trưởng XK khi chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch XK của cả nước. Cụ thể, kim ngạch XK của nhóm hàng này ước đạt 230,69 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng trên là: sắt thép các loại; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện…

Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho hay, Chính phủ áp dụng chiến lược chống dịch theo hướng thích ứng linh hoạt đã tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới. Trong tháng 10, sản lượng XK thép cuộn thành phẩm của Hòa Phát tăng mạnh khi đạt 147.000 tấn, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, đến nay, hoạt động sản xuất của DN đã cơ bản trở lại bình thường. Tổng công ty đang tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng nợ trong quý III và thực hiện các đơn hàng mới.

Về tình hình XK của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch XK nhóm hàng này trong 10 tháng ước đạt 22,33 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá XK của một số mặt hàng. Trong đó, XK sắn tăng tới 63,2% về trị giá và tăng 46,3% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; XK cao su mặc dù chỉ tăng 13,9% về lượng nhưng tăng tới 46,5% về trị giá XK…

Trong 10 tháng qua, các thị trường XK lớn của Việt Nam là: Hoa Kỳ, EU, ASEAN… tiếp tục được củng cố.

Tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA

Nhận định hoạt động XK đang có những thuận lợi, Bộ Công Thương cho biết sẽ chú trọng triển khai thực hiện các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA… nhằm tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế thách thức từ những hiệp định này.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và XK bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tăng cường quản lý XK, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; tạo thuận lợi cho thông quan, XK hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc; đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới…

Trước tình hình giá cả hàng hóa thế giới cũng như trong nước leo thang, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như năng lực cạnh tranh của DN trong XK.

Để xử lý vấn đề này, ông Hải cho biết, Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, kịp thời đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát. Đặc biệt là đánh giá nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra chính sách đối ứng.

Tin cùng chuyên mục