Xuất khẩu sang EU tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mới thực thi được khoảng 8 tháng (từ tháng 8/2020), nhưng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã dần được cải thiện. Đặc biệt, riêng 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu vào thị trường này tăng 18%.
Trong quý I/2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,932 tỷ USD. Ảnh: Tiên Giang
Trong quý I/2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,932 tỷ USD. Ảnh: Tiên Giang

Điểm sáng trong bức tranh hồi phục kinh tế

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3, nhưng theo Bộ Công Thương, trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt 22%. Trong đó, XK hàng hóa sang EU tăng 18% (tương đương 1,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,932 tỷ USD. Những ngành hàng tăng trưởng tốt và đạt giá trị lớn là điện thoại, linh kiện điện tử, hàng dệt may, nông thủy sản…

Các thị trường trong khối EU có mức nhập khẩu hàng Việt tăng cao trong quý I/2021 gồm: Hy Lạp tăng 23,5%, Bồ Đào Nha tăng 36,6%, Italia tăng 26,4%, Bỉ tăng 19,9%, Ireland tăng 23,2%, Đan Mạch tăng 20,2%...

Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam nhấn mạnh, XK thủy sản của Việt Nam bật tăng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, trong đó có thị trường EU trong khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Trong đó, điển hình là các mặt hàng: tôm, mực, bạch tuộc…, một phần nhờ ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại nhìn nhận, EVFTA là một trong những FTA được doanh nghiệp (DN) đón nhận hồ hởi và tận dụng được cơ hội mở ra nhanh nhất.

“Chỉ mấy tháng cuối năm 2020 sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng loạt sản phẩm XK của Việt Nam đã tăng đột biến. Ấn tượng như chúng ta đã XK gạo, tôm... trực tiếp sang thị trường EU thay vì gián tiếp như trước khi có EVFTA”, ông Thắng đánh giá.

Nhìn vào các con số XK sang EU, ông Thắng cho rằng, những con số này đạt được vẫn còn nhỏ, song báo hiệu DN Việt Nam đã ý thức được rằng, EVFTA là cơ hội vàng, là “tuyến cao tốc” để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường khó tính nhanh nhất.

Cũng theo ông Thắng, bên cạnh XK hàng hóa vào EU tăng về lượng, hàng hóa của ta vào EU còn tăng cả về giá. Đây là điều hết sức đáng mừng, tạo nên sự khích lệ cho DN Việt Nam.

Chưa tiết lộ về con số tăng trưởng XK gạo của DN mình vào thị trường EU trong quý I/2021, nhưng chia sẻ với Báo Đấu thầu chiều ngày 5/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, XK gạo vào thị trường EU đang rất khả quan. Về giá XK, quý I/2020, giá gạo 5% tấm là khoảng trên dưới 500 USD/tấn, nhưng quý I/2021 giá trung bình là 550 USD/tấn.

Tích cực khơi thông “tuyến cao tốc hướng Tây”

Khẳng định EVFTA là cơ hội cho Việt Nam, tại hội nghị bàn tròn: "Khu vực DN nhỏ và vừa với Hiệp định EVFTA" diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa trên cơ sở khắc phục các điểm yếu nhằm tận dụng tối đa lợi ích EVFTA mang lại. Bên cạnh đó, các DN nước ngoài nói chung và DN EU nói riêng cần tăng cường hợp tác, tạo cơ hội thị trường, mua sắm cho DN Việt Nam; Phái đoàn EU nghiên cứu, phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ DN Việt Nam cụ thể hóa tối đa lợi ích từ EVFTA, thực hiện tốt cam kết để trở thành đối tác tin cậy của DN EU…

Với những cơ hội lớn đang mở ra cho các DN XK Việt Nam vào thị trường EU, ông Thắng cho rằng, điểm mấu chốt để DN Việt Nam đẩy mạnh XK vào thị trường EU là, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa thì DN phải nghiên cứu kỹ lưỡng hàng rào kỹ thuật trong thương mại dày đặc và khó vượt qua của họ để không vấp phải rào cản.

“Gọi là thị trường EU, nhưng hàng hóa đưa vào mỗi nước thành viên trong thị trường lại có những yêu cầu khác nhau. Điều này đòi hỏi DN cần phải được tư vấn thông qua việc tận dụng cao nhất đội ngũ chuyên gia thương mại, đặc biệt là các tham tán thương mại ở EU”, một chuyên gia khuyến nghị.

Ở góc độ DN, ông Phạm Thái Bình cho biết, dù XK đang rất khả quan, nhưng hiện các DN lại phải đối mặt với cước vận tải tăng quá cao. “Việt Nam là quốc gia có kinh tế biển rất tiềm năng, nhưng việc XK bằng đường biển lại gần như phụ thuộc vào container và tàu vận chuyển của nước ngoài”, ông Bình bày tỏ. Theo ông Bình, để hóa giải thách thức này, Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, tạo cơ chế cho DN trong nước đầu tư phát triển để chủ động khâu này.

Cũng để hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ EVFTA tăng xuất khẩu sang EU, mới đây, Bộ Công Thương đã ra mắt chương trình hợp tác hỗ trợ DN khai thác EVFTA thông qua Sàn thương mại điện tử DN Việt Nam - EU (Vefta) giúp hiện thực hóa “tuyến đường cao tốc hướng Tây” quy mô lớn để kết nối DN Việt với các đối tác châu Âu.

Tin cùng chuyên mục