Xuất khẩu tăng nhưng chưa vội mừng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với đà hồi phục tích cực của kinh tế quý I/2022, hoạt động xuất khẩu (XK) tiếp tục khởi sắc. Tuy vậy, không ít thách thức như: giá đầu vào, chi phí logistics, rủi ro thanh toán… đang đặt ra đối với doanh nghiệp (DN), đòi hỏi sớm có biện pháp hóa giải.
Chi phí logistics tăng cao khiến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí logistics tăng cao khiến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu. Ảnh: Lê Tiên

Xuất khẩu phục hồi tích cực

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kim ngạch XK hàng hóa quý I/2022 ước tính đạt 88,6 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng cao (12,9%) so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là 87,77 tỷ USD, giúp cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD.

Riêng tháng 3, kim ngạch XK hàng hóa ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021. “XK tháng này tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt là nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón…”, ông Hải thông tin.

Điểm đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong quý I, khu vực DN trong nước có sự tăng trưởng cao về kim ngạch XK (tăng 22%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%). Điều này cho thấy nỗ lực của DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng.

Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận, trong quý I, cả nước có 16 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch XK.

Các nhóm hàng nhìn chung đều có khởi sắc. Chẳng hạn, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 7,27 tỷ USD trong quý I/2022, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch XK. Một số mặt hàng trong nhóm có mức tăng trưởng cao như: cà phê, gạo, thủy sản… Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt kim ngạch XK 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 86% tổng kim ngạch XK…

Chia sẻ về kết quả này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, XK 3 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tiếp sức cho sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và XK nói riêng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Nhận định về triển vọng XK thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động này sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ một số yếu tố thuận lợi từ thương mại quốc tế cũng như trong nước, nhất là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)… Tuy vậy, DN XK cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

Theo ông Hải, khó khăn lớn nhất vẫn là dịch Covid-19. Hiện tác động của dịch bệnh đã giảm bớt khi độ phủ vaccine cao và thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, ở một số thị trường, dịch vẫn phức tạp, có thể ảnh hưởng tới hoạt động XK.

“Chính sách phòng, chống dịch của Trung Quốc hiện nay là sẵn sàng phong tỏa cả một thành phố hoặc trung tâm sản xuất khi có ca bệnh. Do vậy, trường hợp một vùng cung cấp nguyên liệu lớn cho DN XK của Việt Nam có dịch thì có thể bị phong tỏa, tác động đến nguồn cung nguyên liệu”, ông Hải lo ngại.

Cùng với đó là những bất ổn trong quan hệ quốc tế, trong đó có xung đột Nga - Ukraine, có thể gây khó khăn cho hoạt động XK hàng hóa. “Hai đối tác thương mại này cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản cho sản xuất kinh doanh như: lúa mì, than, phân bón… Cuộc xung đột này có thể tác động đến giá cả thị trường dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào nói chung tăng”, ông Hải phân tích.

Hơn nữa, chi phí logistics tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, chi phí vận chuyển trong nước cao (cao nhất trong các nước sản xuất dệt may lớn); chính sách thuế, phí vẫn chưa tạo điều kiện cho DN sản xuất… là các nhân tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa XK.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng XK từ 6 - 8% năm 2022, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy XK. Đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… Đồng thời, Bộ chỉ đạo các DN bám sát diễn biến, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao; hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến XK, tận dụng cơ hội từ các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới…

Nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán XK, cơ quan này khuyến nghị DN cần kiểm tra, xác minh kỹ đối tác, nhất là đối tác mới giao dịch lần đầu thông qua việc tăng cường kết nối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; lựa chọn phương thức thanh toán ít rủi ro…

Tin cùng chuyên mục