Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dự báo mới nhất của Bộ Công Thương, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể lập kỷ lục mới, đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Thực tế cho thấy, dự báo này là có cơ sở khi hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) đang có những dấu hiệu tích cực.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể lập kỷ lục mới, đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể lập kỷ lục mới, đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Ảnh: Lê Tiên

Kỷ lục mới

Theo Tập đoàn Hòa Phát, XK thép dự ứng lực Hòa Phát trong 10 tháng năm 2021 đạt hơn 20.000 tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Ngoài Hoa Kỳ và Đài Loan, thép dự ứng lực của DN này đã xuất khẩu sang một số thị trường mới như Canada, Singapore, Malaysia, Campuchia, Sri Lanka, Myanmar…

Với kết quả kinh doanh tích cực, Hòa Phát cho biết, mới đây, hãng dữ liệu tài chính của Anh quốc Refinitiv Eikon (tiền thân là Thomson Reuters Data) công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới, trong đó, Hòa Phát đứng thứ 15 với mức vốn hóa 11 tỷ USD.

Tín hiệu XK sáng cũng đến từ ngành xi măng khi kết quả kinh doanh của nhiều DN trong ngành khá tích cực trong 10 tháng đầu năm 2021. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam vui mừng dự báo, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng XK xi măng năm nay vẫn tăng, dự kiến, tổng kim ngạch XK xi măng năm nay sẽ tăng 5% so với năm 2020.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, XK xi măng có sự tăng trưởng khá là do cuộc khủng hoảng năng lượng của nhiều nước trên thế giới đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng dẫn đến nhu cầu xi măng nhập khẩu tăng. Hơn nữa, sản phẩm xi măng của Việt Nam đã tạo được vị thế trên thị trường nên kim ngạch XK 10 tháng tăng khá.

Với ngành thủy sản, báo cáo Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam quý III/2021 vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố cho thấy, lũy kế 9 tháng, XK thuỷ sản vẫn giữ được tăng trưởng 2,8%, đạt gần 6,2 tỷ USD. XK thủy sản sang một số thị trường và nhóm thị trường chính như: EU, Mỹ, Trung Đông duy trì tăng trưởng dương.

Trong khi đó, ở ngành lương thực, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Trung An vừa trúng thầu cung cấp 15.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc với giá tốt. Với tình hình xuất khẩu khá tốt, ông Bình tính toán, kim ngạch XK gạo của Trung An chắc chắc đạt trên 30 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, tín hiệu XK ở một số ngành hàng khác như: dệt may, da giầy…, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì những dấu hiệu tích cực. Thị trường XK chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, ASEAN… Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất phục vụ XK.

Từ dấu hiệu tích cực đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm nay có thể đạt 640 - 645 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới. Theo ông Hải, đây là con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Còn nhiều thách thức

Cần lưu ý rằng, con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến nêu trên chỉ là con số dự báo. Kết quả này chỉ đạt được khi hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những diễn biến thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, bối cảnh thị trường hiện nay rất khó lường khi dịch bệnh Covid-19 ở nhiều nước trên thế giới phức tạp trở lại, thêm nữa là khủng hoảng năng lượng ở một số quốc gia cũng đang tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Lãnh đạo Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hầu hết các DN xi măng của Việt Nam đều sử dụng than nhập khẩu. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, hiện giá than nhập khẩu tăng. Thêm vào đó, chi phí logistics vẫn ở mức cao. “Tất cả các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả XK của các DN ngành xi măng”, ông Cung nhận định.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, nếu như trước dịch Covid-19, cước vận tải một thùng container chứa hàng hoá bằng đường biển từ châu Á sang châu Âu chỉ khoảng 4.000 USD thì nay đã lên trên 10.000 USD khiến nhiều lô hàng XK không có lợi nhuận. Song nỗi lo lớn nhất của Sao Ta thời điểm này là dịch bệnh Covid-19 tại một số địa phương có dấu hiệu phức tạp trở lại, trong đó có Sóc Trăng - nơi DN đặt nhà máy. Dịch bệnh khiến DN tốn kém chi phí để xét nghiệm cho người lao động duy trì sản xuất.

Để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó có DN xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa với các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành, ứng phó phù hợp. Chú trọng công các triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP… nhằm tận dụng tối đa cơ hội mang lại. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề nghị các địa phương tránh tình trạng “cát cứ”, gây khó khăn cho DN…

Tin cùng chuyên mục