Trong năm 2016, chỉ riêng mặt hàng cá, tôm, cua của Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ 1,4 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi |
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các nhà xuất khẩu Việt Nam đã không nắm được thông tin cũng như quy định của Mỹ về bộ tiêu chuẩn của Luật Hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính sách thay đổi
Việt Nam là một trong 15 đối tác thương mại nông nghiệp lớn nhất của Hoa Kỳ. Trong năm 2016, chỉ riêng mặt hàng cá, tôm, cua của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã đạt 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vào thị trường Hoa Kỳ ngày càng khó bởi các quy định về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA). Trong khi đó, các DN xuất khẩu Việt Nam rất ít thông tin về luật này.
Gần đây, 679 DN xuất khẩu (chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm) của Việt Nam bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) loại là do gặp vướng mắc trong vấn đề thủ tục. Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã từng khuyến cáo các DN xuất khẩu hàng thực phẩm vào Mỹ cần kiểm tra lại mã số kinh doanh hợp lệ với FDA trước khi xuất hàng vào Mỹ. Song vẫn có nhiều DN không biết thông tin này.
Chính phủ Mỹ đã thay đổi chính sách quản lý an toàn thực phẩm bằng việc ban hành Luật FSMA vào năm 2011 khi đòi hỏi các biện pháp phòng ngừa toàn diện, chứ không còn chỉ kiểm tra ở biên giới. Nếu trước đây hàng xuất khẩu vào Mỹ được đánh giá, thử nghiệm tại cảng đến ở Mỹ thì với FSMA, công việc được chuyển sang cho chính các nhà sản xuất. FDA sẽ kiểm tra và đánh giá ngay tại nhà máy, trên toàn bộ chuỗi sản xuất tại quốc gia xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Huy, Giám đốc Bộ phận Thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam (một trong những tổ chức quốc tế về chứng nhận độc lập cho hàng hóa vào Mỹ), một số DN cho rằng họ đã có đủ những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm rồi, nhưng đây là Luật, nó khác tiêu chuẩn, vì tiêu chuẩn là tự nguyện, còn Luật là buộc phải làm theo.
Một trong những DN tiếp cận sớm và nghiêm túc nhất với các chính sách về quản lý an toàn thực phẩm của Mỹ là Vinamilk. Tháng 11/2016, Vinamilk đã chủ động tổ chức khóa học cho hơn 20 cán bộ chức vụ cao, từ giám đốc nhà máy trở lên của hơn 10 nhà máy để đáp ứng yêu cầu mới. Còn thấy rõ mức độ nghiêm trọng nhất chính là các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Họ sợ sẽ không mua được nông sản từ Việt Nam nữa nên thúc giục tổ chức lớp cho đối tác ở Việt Nam.
Bị trả hàng vẫn “ngơ ngác”
Luật FSMA quy định 4 chương trình về an toàn thực phẩm. Thứ nhất là kiểm soát ngăn ngừa trong quá trình sản xuất của DN; thứ hai, kiểm soát ngăn ngừa về chất gây dị ứng; thứ ba, kiểm soát ngăn ngừa về vệ sinh trong quá trình sản xuất; thứ tư, kiểm soát ngăn ngừa trong chuỗi cung ứng của các DN.
Trong đó, có một số điểm mới như, kiểm soát ngăn ngừa về chất gây dị ứng, một vấn đề đang khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn. Theo thông tin FDA cung cấp, hiện nay có từ 36 - 38% lô hàng của DN Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vì khai báo sai chất gây dị ứng, chiếm 1/3 số vụ bị từ chối nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, vấn đề cần làm bây giờ là các DN phải cử một cá nhân trong DN của mình đi học để lấy các chứng chỉ quốc tế về an toàn thực phẩm. Mỗi cá nhân được DN cử đi học để lấy chứng chỉ, đồng thời tham gia vào việc xây dựng hệ thống an toàn thực phẩm của DN đó, sẽ phải đứng tên chịu trách nhiệm trước FDA. Điều này được gọi là trách nhiệm giải trình pháp lý trong trường hợp DN mà cá nhân lấy chứng chỉ gặp sự cố về an toàn thực phẩm tại thị trường Mỹ.