Ý kiến trái chiều về xây dựng 3 sân bay ở Tây bắc

Trước một số ý kiến trái chiều về quy hoạch 3 sân bay ở Tây Bắc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định, việc xây dựng 3 sân bay rất cần thiết, có tầm quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng. 
Sân bay Điện Biên Phủ (Điện Biên) sẽ cách sân bay Nà Sản (Sơn La) 170 km.
Sân bay Điện Biên Phủ (Điện Biên) sẽ cách sân bay Nà Sản (Sơn La) 170 km.

Bộ Giao thông Vận tải vừa công bố quy hoạch 3 sân bay ở khu vực Tây Bắc là Nà Sản (Sơn La), Lào Cai, Lai Châu đến năm 2020, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.810 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam (người từng tái đề xuất đường bay thẳng Bắc - Nam), cho rằng xây dựng thêm 3 sân bay mới tại khu vực Tây Bắc là lãng phí và không phù hợp với tình hình thực tế cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Việt Nam không rộng, hiện có nhiều sân bay bỏ hoang và có những sân bay gần nhau, rất đìu hiu. 3 cảng hàng không ở Tây Bắc nếu xây dựng thì có thể lâm cảnh như vậy. 

Từ những bất cập trên, ông Trần Đình Bá cho rằng, thay vì xây dựng các sân bay mới thì các nhà quản lý, ngành chức năng cần mở rộng nâng cấp cũng như cải tạo sân bay cũ để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Một chuyên gia hàng không nhận định, cả nước hiện có 21 sân bay, trong đó 7 sân bay quốc tế. Ước tính cách hơn 100 km là có một sân bay, mật độ khá dày. Theo quy hoạch của Chính phủ đến năm 2020, cả nước có thêm 5 sân bay nâng tổng số lên 26. Trong bối cảnh ngành hàng không phải cạnh tranh gay gắt hơn với đường bộ vì hạ tầng đường bộ ngày càng cải tiến, với mức tăng trưởng dự kiến là 20% mỗi năm, thì một số sân bay sẽ phải hoạt động dưới công suất. 

Đề cập việc xây dựng 3 sân bay tại khu vực Tây Bắc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, trên cơ sở các khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý thì 3 cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Lai Châu, Lào Cai đều rất cần thiết, quan trọng cả về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Các sân bay này được quy hoạch phục vụ cả mục đích quân sự và dân dụng. Sơn La, Lai Châu, Lào Cai đều có điều kiện địa hình hiểm trở, giao thông chưa đồng bộ, việc xây dựng sân bay sẽ kết nối với các tỉnh khác trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế xã hội. 

Thứ trưởng Nhật cũng cho biết, Bộ Giao thông đã lập quy hoạch và công bố kế hoạch đầu tư xây dựng các cảng hàng không khu vực Tây Bắc, còn việc lập dự án đầu tư xây dựng phải do doanh nghiệp nghiên cứu khảo sát cụ thể, tính toán suất đầu tư và khả năng thu hồi vốn... "Ngân sách nhà nước hiện rất hạn chế nên chủ trương của ngành là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các sân bay này. Doanh nghiệp sẽ phải tự khảo sát, lập dự án đầu tư", Thứ trưởng Nhật nói và thông tin thêm, đến nay mới có một số doanh nghiệp khảo sát, chưa có doanh nghiệp nào trình dự án. 

Theo quy hoạch được Bộ Giao thông Vận tải công bố, Cảng Hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La, sẽ được đầu tư xây dựng khu bay và các công trình bảo đảm khai thác máy bay ATR72, A320, A321 và tương đương, đồng thời đảm bảo hoạt động của máy bay quân sự; xây dựng khu hàng không dân dụng phục vụ 900.000 hành khách mỗi năm đến năm 2020 và 1,5 triệu hành khách đến năm 2030 với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là hơn 1.984 tỷ đồng. 

Sân bay Lai Châu được quy hoạch hoạt động khai thác dân dụng cấp 3C, sân bay quân sự cấp III. Cụ thể, nơi này sẽ được đầu tư xây dựng khu bay và các công trình bảo đảm hoạt động bay, đảm bảo khai thác máy bay ATR72, F70 và tương đương, khu hàng không dân dụng đáp ứng nhu cầu phục vụ 40.000 hành khách mỗi năm. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là hơn 4.783 tỷ đồng. 

Sân bay Lào Cai được đầu tư xây dựng khu bay và các công trình bảo đảm hoạt động bay của tàu bay A320, A321 và tương đương, phục vụ 560.000 hành khách mỗi năm. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là hơn 3.046 tỷ đồng.