Hai hợp đồng đặt hàng đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Yên Bái có tổng giá trị hơn 7,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TN |
Năm 2016, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã ký hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại xã Mỹ Gia và xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình với Công ty TNHH Đo đạc công trình và bản đồ NEH; ký hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình với Công ty CP Tư vấn và Quản lý dự án Việt Nam. Thời gian hoàn thành theo hợp đồng là cuối năm 2019. Tổng giá trị 2 hợp đồng là hơn 7,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, 2 doanh nghiệp đều không hoàn thành khối lượng hợp đồng, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho phép gia hạn đến cuối tháng 12/2021. Hết thời gian gia hạn, cả 2 doanh nghiệp vẫn không thể hoàn thành phần công việc còn lại. Chủ đầu tư đã mời các doanh nghiệp làm việc nhiều lần nhưng không thành, đến nay không còn liên lạc được.
Ngày 2/2/2023, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết, khối lượng công việc của các hợp đồng vẫn đang dang dở khiến Dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Yên Bái bị chậm trễ. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái rất sốt ruột và chỉ đạo quyết liệt phải hoàn thành Dự án trước ngày 30/6/2023. Phần công việc còn lại của 2 hợp đồng được giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái thực hiện.
Cùng với việc chấm dứt hợp đồng, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hợp đồng với 2 doanh nghiệp nói trên, tổng giá trị xử phạt gần 1,159 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết, cơ sở pháp lý để Chủ đầu tư ký hợp đồng đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ của Dự án với Công ty CP Tư vấn và Quản lý dự án Việt Nam, Công ty TNHH Đo đạc công trình và bản đồ NEH là các quy định của Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Tại thời điểm ký hợp đồng đặt hàng, các doanh nghiệp này đều có chức năng thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế triển khai mới bộc lộ năng lực yếu kém và sự tắc trách của cả 2 doanh nghiệp, gây khó khăn cho địa phương trong việc để một dự án quan trọng bị dang dở kéo dài.
Nghị định số 130/2013/NĐ-CP cho phép lựa chọn cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo 3 phương thức: đấu thầu; đặt hàng; giao kế hoạch. Trong thực tiễn triển khai, hình thức đặt hàng và giao kế hoạch bộc lộ nhiều bất cập, do không có sự cạnh tranh, đánh giá minh bạch chủ thể được chọn giao nhiệm vụ này.
Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP, bổ sung nhiều điều kiện cụ thể với hình thức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng hình thức đấu thầu để tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong lựa chọn nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.