10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp tục ghi dấu son về thành quả phát triển trên trường quốc tế. Với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam trong trung và dài hạn, nhiều quyết sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành năm 2022, hướng đến mục tiêu khai phóng các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho Đất nước. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2022 do Báo Đấu thầu bình chọn.

1. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của 6 vùng kinh tế

6 nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành năm 2022 (số 11-NQ/TW; số 13-NQ/TW; số 23-NQ/TW; số 24-NQ/TW; số 26-NQ/TW; số 30-NQ/TW) nhằm mục tiêu khai thác và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngay sau khi ban hành, Bộ Chính trị đã tổ chức các hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện. Chính phủ cũng triển khai chương trình hành động để hiện thực hóa các nghị quyết này.

2. Ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 25/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên, một quy hoạch tổng thể theo phương thức tích hợp được triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 với tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch không chỉ mở ra cơ hội phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, ràng buộc bởi địa giới hành chính, mà còn đặt vấn đề mở rộng không gian phát triển, bao gồm cả không gian ngầm, không gian biển và bầu trời.

3. Hơn 200.000 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường năm 2022

Năm 2022 khép lại với con số kỷ lục 208.368 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 4.763.536 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2021. Trong đó, có 148.533 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 27,1% so với năm 2021 và gấp 1,1 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2021 (129.611 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 cũng ghi dấu ấn với 59.835 doanh nghiệp. Như những hạt giống được ươm mầm từ sỏi đá, những khó khăn, thách thức từ môi trường kinh doanh không thể khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp chùn bước. Những con số ấn tượng năm 2022 đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp dần trở lại sau hai năm dịch bệnh.

4. GDP 2022 tăng trưởng vượt trội, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng kinh tế trên toàn cầu

Năm 2022, tăng trưởng GDP của cả nước ước đạt 8,02%, vượt trội so với kế hoạch từ 6 - 6,5%. Nhờ các quyết sách mạnh mẽ, đúng thời điểm của Đảng và Chính phủ, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm. Quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 400 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người hơn 4.000 USD. Quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam tiếp tục được ghi nhận là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế nói chung và ASEAN nói riêng, với tinh thần đoàn kết, chung tay cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

5. Các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam

Ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực trong năm 2022. Đặc biệt, ngày 6/9/2022, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng Ổn định. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm. Các tổ chức quốc tế lớn đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính và cách thức vượt qua các "cú sốc" từ môi trường quốc tế.

6. Quốc hội quyết định đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm trong 1 kỳ họp

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, gồm: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Đường Vành đai 3 TP.HCM; Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là những dự án kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối giao thông toàn quốc, được kỳ vọng tạo bứt phá, nâng cao năng lực vận chuyển, hỗ trợ tích cực phát triển kinh tế trong trung và dài hạn, có vai trò quan trọng tháo gỡ những hạn chế về hạ tầng giao thông hiện nay.

7. Quyết định khởi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Cuối năm 2022, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có chiều dài 729 km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau đồng loạt có quyết định khởi công. Dự án gồm 12 dự án thành phần, nhằm kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. Việc đầu tư Dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

8. Giải ngân vốn FDI cao nhất 5 năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân năm 2022 vượt 22 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm qua cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh, tương lai phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Khảo sát của các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản… cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan tăng lên, theo đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong các năm tới, là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất khu vực.

9. Lần đầu tiên xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ở một số địa phương

Lần đầu tiên trong nhiều năm, người dân tại một số địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức trong một số tháng của năm 2022. Tình trạng này không chỉ do ảnh hưởng của những diễn biến phức tạp trên thị trường xăng dầu thế giới mà còn bộc lộ việc quản lý kinh doanh xăng dầu của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập. Trước yêu cầu của Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã gấp rút đưa ra các giải pháp để tính giá cơ sở xăng dầu; đáp ứng nhu cầu vốn; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường nguồn cung và có phương án chiết khấu hợp lý để không làm gián đoạn cung ứng xăng dầu, ổn định lại cán cân cung - cầu thị trường.

10. Thị trường tài chính căng, giải pháp ứng phó mạnh

Đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và kiểm soát được các mục tiêu kinh tế vĩ mô là thách thức xuyên suốt trong năm 2022 của thị trường tài chính Việt Nam. Trên thị trường tiền tệ, dấu ấn đáng nhớ của năm 2022 là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện 2 đợt tăng lãi suất điều hành (ngày 23/9 và ngày 25/10) với tổng mức tăng 2 điểm phần trăm. Cùng với đó, trước áp lực về nguồn vốn tín dụng dành cho nền kinh tế, NHNN đã quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 1,5-2% cho cả hệ thống ngân hàng, nâng tổng mức tăng trưởng tín dụng định hướng cả năm 2022 lên 15,5-16%.

Trên thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đều có những biến động mạnh gây khó khăn cho việc huy động vốn của doanh nghiệp. Chỉ số VN-Index ghi nhận đỉnh cao kỷ lục 1.524 điểm vào ngày 4/4/2022 và trải qua mức đáy của năm ở ngưỡng 911,9 điểm vào ngày 5/10/2022. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau các vụ việc sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, khối lượng phát hành mới sụt giảm mạnh, khối lượng trái phiếu bán lại trước hạn và mua lại trước hạn lớn. Trước khó khăn về thanh khoản của hàng loạt doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tin cùng chuyên mục