Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp
Diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển"; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước cho 5 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Gần 70 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
Ngày 23/5/2021, 99,6% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 22.550 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 239.788 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19.
Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, nâng cao vị thế quốc gia
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu, song các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương của Việt Nam vẫn được tiến hành liên tục. Tiêu biểu là sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với lãnh đạo các nước, tiếp nhiều đoàn khách quốc tế; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Liên bang Nga, Cuba, Campuchia; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan; tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm một số nước tại châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Năm 2021, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung của các tổ chức quốc tế lớn; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, được các nước đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025
Ngày 12/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP; phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn…
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine phòng Covid-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp như thành lập Quỹ Vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.
Đến cuối tháng 12, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều, tăng khoảng 4 lần, và hơn 80% được tiêm 2 liều, tăng hơn 21 lần so với cuối tháng 8/2021. Việc tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng đang được khẩn trương triển khai.
Triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa có tiền lệ
Năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị để tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phòng, chống dịch.
Năm 2021 đã thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, với số tiền khoảng 140 nghìn tỷ đồng; xuất cấp hơn 253 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân; giải ngân 1.754 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động. Hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng…
Xuất nhập khẩu tăng mạnh
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 336 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 332 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh mới khi đạt 668,5 tỷ USD, tăng hơn 22,6% so với năm 2020; xuất siêu 4 tỷ USD.
Sau gần nửa năm trầm lắng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại từ tháng 9. Trong năm nay, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản.
Thị trường chứng khoán thiết lập nhiều kỷ lục
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập những kỷ lục chưa từng có về điểm số, thanh khoản, số tài khoản mở mới. VN-Index đạt mức cao nhất trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11 (1.500,8 điểm), tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD.
Trong 11 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại.
Kinh tế tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 khiến hầu hết hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ ngưng trệ. Nhiều tỉnh, thành phố "đầu tàu" đóng góp lớn cho phát triển kinh tế và thu ngân sách như: TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... bị thiệt hại nặng. Đáng chú ý, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy…
Mặc dù vậy, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, khu vực dịch vụ tăng 1,22%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam vào top 10 thị trường logistics mới nổi
Theo Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 của Agility - một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới, Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2020, xếp thứ 8 trong 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021.
Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua một năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của logistics vào GDP đạt từ 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15 - 20%.