Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,86 triệu tấn, trị giá 2,93 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 10 tháng qua, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 69,5%, 7,1% và 2,6%.
Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su tháng 11/2022 đạt 220 nghìn tấn với giá trị đạt 265 triệu USD; đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2022 đạt gần 2,03 triệu tấn và 2,93 tỷ USD, tăng 10,1% về khối lượng và tăng 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Campuchia (chiếm 47,9% thị phần), Hàn Quốc (10,5%) và Trung Quốc (9,4%) là 3 thị trường cung cấp cao su chính cho Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022. So với cùng kỳ năm 2021, giá trị nhập khẩu cao su từ 3 thị trường này tăng lần lượt 15,3%, 13,4% và 50%.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 11/2022, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động nhẹ. Giá thu mua mủ tự nhiên tại Bình Phước những ngày đầu tháng 11 tăng nhẹ lên 265 đồng/độ, về cuối tháng quay đầu giảm xuống còn 260 đồng/độ. Trong khi đó, giá mủ cao su dạng nước tại Đồng Nai tiếp tục giữ vững mức 10.500 đồng/kg.
Giá thu mua cao su của nhà máy cũng diễn biến tăng nhẹ trong tháng, song vẫn ở mức thấp, dao động từ 230 - 275 đồng/độ tùy từng nhà máy, tăng 5 đồng/độ so với tháng 10. Giá thu mua của Công ty cao su Phú Riềng (Bình Phước) ở mức 265 - 275 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với cuối tháng 10/2022; Công ty cao su Phước Hòa (Bình Dương) giữ ở mức 271 - 275 đồng/TSC; Công ty cao su Mang Yang (Gia Lai) thu mua với giá 230 - 240 đồng/TSC.