Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến thời điểm này của năm 2017, Chính phủ đã có thể khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu tăng mạnh và xuất siêu, khu vực công nghiệp phục hồi rõ nét, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Số doanh nghiệp thành lập mới năm nay sẽ đạt mức kỷ lục trên 120 nghìn với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 25 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội. Số vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục, trên 35 tỷ USD, tăng 30%, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm qua.
Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với 2012. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh Việt Nam tăng 5 bậc trong năm 2017, đứng thứ 55/137 nước và tăng vọt 20 bậc so với 5 năm trước.
Trước đó, theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Việt Nam đã từ vị trí 59/128 năm ngoái lên vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Việt Nam còn đứng vị trí số 1 về chỉ số này trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.
Tới tháng 11 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Trong năm 2017, thị trường chứng khoán chứng kiến chỉ số vượt đỉnh 9 năm đi kèm với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức kỉ lục. Tính tới hết tháng 11, VN-Index và HNX-Index tăng trưởng lần lượt 42,87% và 42,19%.
Tình hình chính trị, xã hội ổn định. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đã tổ chức thành công Năm APEC 2017. Vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên.
Nhìn về dài hạn, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%).
Cũng trong năm qua, Chính phủ đã quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, chấn chỉnh trong toàn bộ hệ thống doanh nghiệp nhà nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân quan trọng dẫn tới các kết quả nói trên là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, cùng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
Trước tình hình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright), với cách tiếp cận “hành động, hành động và hành động” của người đứng đầu Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực, được thể hiện ở cả các chỉ tiêu chính thống (tất cả đều đạt), đánh giá của các tổ chức quốc tế (có sự thăng hạng ngoạn mục) và phản ứng của thị trường (chứng khoán bùng phát).
“Có thể đánh giá ở những góc độ khác nhau, nhưng sự ấm lên của nền kinh tế Việt Nam là khó có thể phủ nhận. Tuy nhiên, những kết quả khả quan này cần được duy trì với tính bền vững cao”, TS Huỳnh Thế Du nhận định.
Còn theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù nền kinh tế vẫn đang có những vấn đề cần thay đổi nhưng năm 2017, tăng trưởng kinh tế đã có những động thái tích cực. Cơ cấu kinh tế theo ngành bắt đầu dịch chuyển, bắt đầu thoát khỏi các ngành khai thác tài nguyên và chuyển sang công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Xu thế khởi nghiệp sáng tạo cũng đang bùng lên, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tăng mạnh.
Ông Thiên cho rằng, cách tiếp cận 3 năm tới là Chính phủ cần tối đa cải cách thể chế, nỗ lực ở các mục tiêu cơ bản dài hạn. Các mục tiêu ngắn hạn sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cần phải tập trung “dọn dẹp” các cơ chế, điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp.
05 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch là: (1) Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (kế hoạch 3,5%); (2) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (kế hoạch 31,5%); (3) Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (kế hoạch 6 - 7%); (4) Số giường bệnh trên 1 vạn dân (kế hoạch 25,5 giường); (5) Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (kế hoạch 82,2%).
Có 08 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch là: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6,7%; (2) Tốc độ tăng chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; (3) Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP 1,5%; (4) Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; (5) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; (6) Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 56% (kế hoạch 55 - 57%); (7) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 87%; (8) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%.
Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV