Bản tin thời sự sáng 14/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sẽ hợp nhất nhiều cơ quan để giảm 5 sở, ngành; Hội An kiến nghị ban bố tình huống khẩn cấp do sạt lở bờ biển; 80% các lô đất trúng đấu giá tại Hà Đông chưa được nộp tiền; lập dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc…

Hà Nội sẽ hợp nhất nhiều cơ quan để giảm 5 sở, ngành

Ngày 13/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ký ban hành thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. TP. Hà Nội sẽ hợp nhất nhiều cơ quan để giảm 5 sở, ngành nhằm hạn chế chồng chéo nhiệm vụ.

Trụ sở UBND TP. Hà Nội

Trụ sở UBND TP. Hà Nội

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo định hướng hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.

Sở Lao động Thương binh Xã hội hợp nhất với Sở Nội vụ; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.

Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ được chuyển về Ban Dân tộc, thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo. UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp đối với các cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND Thành phố; rà soát tất cả ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.

Với cơ quan, tổ chức Đảng, TP. Hà Nội sáp nhập Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Dân vận Thành ủy; kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Thành phố. Hà Nội sẽ xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tiếp tục mô hình Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng do đặc thù Thủ đô tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng.

Hà Nội sẽ kết thúc hoạt động Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Thành phố, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố.

Tám đảng đoàn thuộc Thành ủy cũng kết thúc hoạt động gồm: HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật…

Hội An kiến nghị ban bố tình huống khẩn cấp do sạt lở bờ biển

Do ảnh hưởng của thời tiết, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra tại bờ biển đoạn qua phường Cẩm An. TP. Hội An kiến nghị ban bố tình huống khẩn cấp.

Bờ biển Cẩm An, TP. Hội An bị sạt lở nghiêm trọng

Bờ biển Cẩm An, TP. Hội An bị sạt lở nghiêm trọng

Ngày 13/12, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sạt lở nghiêm trọng tại bờ biển Cẩm An, đoạn qua địa phận khối Tân Thành, phường Cẩm An, TP. Hội An.

Lãnh đạo UBND TP. Hội An cho biết, những ngày vừa qua, do diễn biến bất lợi của thời tiết, bờ biển Cẩm An đoạn qua địa phận khối Tân Thành, phường Cẩm An đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể, đối với bờ kè tạm bị sóng kết hợp nước biển dâng cao kèm theo gió mạnh làm hư hỏng, một khối lượng cát lớn bị trôi. Chiều dài sạt lở khoảng 225m, chiều sâu trung bình 5 - 7m, tạo thành rãnh sâu khoét sâu vào bên trong bờ biển Cẩm An, nguy cơ làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Để khắc phục, UBND TP. Hội An và phường Cẩm An cùng nhân dân sử dụng kè bằng bao chứa cát để chắn sóng tạm thời nhằm hạn chế việc sạt lở tại khu vực này.

Do sạt lở nghiêm trọng, căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành quy trình công bố và triển khai quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai, TP. Hội An đề nghị ngành chức năng xem xét, tham mưu UBND Tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở tại bãi biển phường Cẩm An, làm cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục, đảm bảo ổn định cho các hộ dân, hạ tầng ven biển tại khu vực này.

Sau khi UBND TP. Hội An kiến nghị, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan liên quan hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp ứng phó trước mắt; đồng thời nghiên cứu phương án, biện pháp khắc phục lâu dài nhằm đảm bảo an toàn cho người, hạ tầng trong khu vực.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu TP. Hội An có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban, địa phương liên quan tăng cường theo dõi, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ở khu vực sạt lở, nguy hiểm để người dân chủ động ứng phó.

80% các lô đất trúng đấu giá tại Hà Đông chưa được nộp tiền

Hết hạn đợt 1, 22 trong 27 lô đất trúng đấu giá tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội chưa nộp tiền.

Vị trí thửa đất trúng đấu giá cao nhất 262 triệu đồng mỗi m2 tại khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội

Vị trí thửa đất trúng đấu giá cao nhất 262 triệu đồng mỗi m2 tại khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông cho biết, hết hạn nộp tiền đợt 1 vào cuối tháng 11, có đến 22 trên 27 thửa đất trúng đấu giá tại phiên 19/10 chưa được khách hàng nộp tiền (tương đương 50% giá trúng lô đất). Trong đó, khu Hạ Khâu, phường Phú Lương có 16 thửa, còn lại thuộc Khu đấu giá Dược (X7).

Theo quy định, người trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất trong 30 ngày (đợt 1) kể từ thông báo của cơ quan thuế, còn lại nộp trong thời hạn 90 ngày. Sau đợt 1, khách trúng đấu giá chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính vẫn có thể nộp đủ 100% trong đợt 2 cùng lãi suất nộp chậm.

Vị đại diện trên cho biết thêm, trong 5 thửa đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đợt 1 có thửa trúng cao nhất hơn 260 triệu đồng (tổng 15 tỷ đồng), gấp 8 lần giá khởi điểm. Lô này có ký hiệu 1A-03, nằm cạnh nghĩa trang thuộc khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương.

4 thửa còn lại đã được nộp tiền có giá trúng hơn 150 triệu đồng mỗi m2. Trong đó, xứ đồng Hạ Khâu (phường Phú Lương) có 2 lô gồm thửa 2A-09 (tổng 10,4 tỷ đồng) và 4A-05 (tổng 9,7 tỷ đồng).

Xứ Đồng Bo, Đồng Chúc, Cửa Cầu, Đồng Men (phường Phú Lương) có 1 lô đã nộp tiền là thửa 5B-23 (hơn 10,4 tỷ đồng). Lô còn lại ký hiệu LK2-8 ở khu Dược (X7) trúng với giá hơn 182 triệu đồng mỗi m2.

Trước đó, phiên đấu giá 27 thửa đất thuộc 3 phường Phú Lương, Yên Nghĩa, Dương Nội, quận Hà Đông (cách hồ Hoàn Kiếm 18 km) gây xôn xao bởi giá trúng gấp 5 - 8 lần giá khởi điểm. Các lô đất dao động 49 - 72 m2 có giá trúng lên đến 133 - 262 triệu đồng/m2, trong khi khởi điểm là 23 - 32 triệu đồng/m2.

Phiên đấu giá trải qua 14 vòng, đến 23h cùng ngày mới kết thúc. Một số nhà đầu tư chia sẻ "ngao ngán vì giá bị đẩy lên trên trời".

4 tháng qua, liên tiếp các phiên đấu giá đất ở Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông... gây xôn xao thị trường. Điểm chung của các phiên này là tình trạng mua bán chênh ồ ạt, mức trúng được đẩy cao kỷ lục rồi bỏ cọc hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Lập dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị nhanh chóng lập dự án để khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025.

Tàu hàng liên vận quốc tế đến châu Âu, khởi hành ở ga Yên Viên

Tàu hàng liên vận quốc tế đến châu Âu, khởi hành ở ga Yên Viên

Bộ trưởng Trần Hồng Minh vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội -Hải Phòng.

Theo Bộ trưởng, tuyến đường sắt này khởi công trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ nên các đơn vị thuộc Bộ phải làm rõ các nội dung liên quan đến đầu tư, làm cơ sở để lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.

Với tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỷ USD, Dự án cần chuẩn bị đầu tư trong khoảng 3 - 4 năm, hoàn thành 7 hạng mục công việc gồm lập và phê duyệt đề xuất dự án; lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; lập và trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đàm phán và ký hiệp định vay; lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật; đấu thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng xây lắp; giải phóng mặt bằng.

Để đẩy nhanh tiến độ khởi công Dự án, Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội trước ngày 31/3/2025 và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.

Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, vận tải chung hành khách và hàng hóa; kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc.

Tuyến có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Chiều dài tuyến khoảng 417 km (trong đó chính tuyến dài khoảng 396 km, hai nhánh kết nối với cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ dài khoảng 20 km). Tuyến đi qua địa phận 9 tỉnh/thành phố là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Theo quy hoạch, tuyến còn kéo dài đến điểm cuối là ga Hạ Long, Quảng Ninh (thuộc tuyến Kép - Hạ Long) với tổng chiều dài 460 km…

Thu thập ảnh chân dung, vân tay khi làm thủ tục tại cửa khẩu từ 2025

Công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu sẽ được thu thập ảnh chân dung, vân tay từ ngày 1/1/2025.

Khách làm thủ tục qua các cổng autogate tại cửa khẩu sân bay

Khách làm thủ tục qua các cổng autogate tại cửa khẩu sân bay

Đây là điểm mới tại Thông tư số 59/2024 do Bộ Công an ban hành có hiệu lực từ năm 2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 79/2020 quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh với công dân Việt Nam tại cửa khẩu.

Về công việc của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh, Thông tư bổ sung nhiệm vụ "thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định pháp luật".

Hiện nay, từ 1/7/2024, vân tay và ảnh khuôn mặt cùng với thông tin sinh trắc học của công dân cũng được thu nhận khi làm thủ tục đề nghị cấp căn cước công dân. Việc thu thập các thông tin này, theo Bộ Công an, là để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân và hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

Thông tư số 59/2024 cũng bổ sung một khoản mới quy định về kiểm chứng xuất nhập cảnh.

Kiểm chứng xuất nhập cảnh là việc xác nhận công dân Việt Nam đã hoàn thành thủ tục xuất hoặc nhập cảnh một cách hợp lệ. Trong đó bao gồm đóng dấu hoặc không đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh; thông tin về quá trình xuất, nhập cảnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh có giá trị thay thế dấu kiểm chứng đóng trên giấy tờ của công dân.

Nhiệm vụ kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh cũng được quy định cụ thể hơn, chia thành 2 trường hợp. Nhà chức trách sẽ đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân khi chưa kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Nếu đã kết nối, nhà chức trách sẽ không đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh.

Ngoài ra, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh còn có nhiệm vụ thực hiện tạm hoãn xuất cảnh với công dân Việt Nam theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2023.

Hà Nội duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn hơn 1.400 ha

Phân khu số 3 vừa được duyệt tại huyện Sóc Sơn cho thấy tại đây sẽ phát triển trường đua ngựa, đô thị sinh thái, văn phòng, khách sạn.

Vị trí quy hoạch xây dựng Dự án Tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội

Vị trí quy hoạch xây dựng Dự án Tổ hợp giải trí thương mại - trường đua ngựa tại Sóc Sơn, Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 3, tỷ lệ 1/2000, quy mô hơn 1.400 ha. Đồ án quy hoạch phân khu sẽ phân chia, xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất của các khu đất, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung.

Theo đó, phân khu 3 thuộc địa giới hành chính 7 xã và thị trấn Sóc Sơn với quy mô dân số hơn 46.200 người đến 2030. Vị trí phân khu giáp đường sắt quốc gia Hà Nội - Thái Nguyên.

Phân khu 3 gồm 2 khu quy hoạch với 16 ô, tập trung phát triển khu phức hợp y tế, văn hóa, giáo dục; công viên, cây xanh, thể dục thể thao quy mô lớn kết hợp cải tạo, chỉnh trang khu vực làng xóm hiện có.

Trong đó, 14 ô quy hoạch thuộc khu hai có diện tích gần 1.200 ha tập trung phát triển chức năng y tế, văn hóa, giáo dục tập trung, hình thành trung tâm vận tải đa phương tiện, phát triển khu vực thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn kết nối với ga Đa Phúc.

Hai ô quy hoạch còn lại ở khu một có quy mô gần 250 ha sẽ hình thành đô thị sinh thái, trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí cấp vùng (trường đua ngựa) và khu nhà ở mới.

Hồi đầu năm, UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức lấy ý kiến về đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn tại xã Tân Minh, Phù Linh và thị trấn Sóc Sơn. Dự án có mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD, thu hút khoảng 25.000 - 30.000 lao động.

Hai năm qua, Hà Nội liên tục ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 7 phân khu đô thị Sóc Sơn, tỷ lệ 1/2000. Gần đây nhất, hồi tháng 8, phân khu 6 với quy mô hơn 500 ha đã được duyệt với mục tiêu phát triển công nghiệp, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trợ cảng hàng không.

Cảnh sát biển bắt giữ tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, trên tàu đang chở khoảng 30.000 lít dầu DO, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên tàu

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên tàu

Sáng 13/12, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải tàu cá TG 92267 TS có hành vi chở khoảng 30.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp của hàng hóa về cảng Hải đội 301 tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, lúc 9 giờ 45 phút, ngày 11/12, tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Hải đội 3 của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện dấu hiệu nghi vấn, tiến hành kiểm tra tàu cá TG 92267 TS.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu TG 92267 TS có 2 thuyền viên. Tàu do ông Đoàn Quốc Điểm (sinh năm 1987, trú xã la Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, trên tàu đang chở khoảng 30.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, ông Điểm không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số dầu DO nói trên.

Trước đó, ngày 3/12, tại khu vực biển tỉnh Khánh Hòa, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Ba (Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) tiến hành kiểm tra 1 phương tiện không biển kiểm soát.

Trên tàu tại thời điểm kiểm tra có 2 thuyền viên. Tàu do ông Nguyễn Thanh (sinh năm 1969) làm thuyền trưởng. Theo lời khai của thuyền trưởng, trên tàu đang vận chuyển khoảng 10.000 lít dầu DO. Tuy nhiên, ông Thanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số dầu nói trên.