4.000 tỷ đồng phòng chống sạt lở tại ĐBSCL: Nhiều địa phương khó hoàn thành giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu của Bộ Tài chính, tới hết tháng 11/2024, còn hơn 1.377 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 hỗ trợ cho các dự án phòng, chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa được giải ngân. Ước tính tới thời hạn 31/12/2024, nhiều địa phương, dự án khó có khả năng cán đích giải ngân nguồn vốn này.
Đến ngày 31/12/2024, 21 dự án phòng, chống sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành giải ngân 4.000 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023. Ảnh: Thường Sơn
Đến ngày 31/12/2024, 21 dự án phòng, chống sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành giải ngân 4.000 tỷ đồng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023. Ảnh: Thường Sơn

Tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện 21 dự án phòng, chống sạt lở. Theo đó, các tỉnh được phân bổ gồm: Long An 250 tỷ đồng (2 dự án), Tiền Giang 200 tỷ đồng (1 dự án), Bến Tre 300 tỷ đồng (2 dự án), Trà Vinh 200 tỷ đồng (2 dự án), Vĩnh Long 500 tỷ đồng (1 dự án), Cần Thơ 250 tỷ đồng (1 dự án), Hậu Giang 200 tỷ đồng (2 dự án), Sóc Trăng 300 tỷ đồng (1 dự án), An Giang 250 tỷ đồng (2 dự án), Đồng Tháp 250 tỷ đồng (1 dự án), Kiên Giang 500 tỷ đồng (2 dự án), Bạc Liêu 300 tỷ đồng (1 dự án), Cà Mau 500 tỷ đồng (3 dự án).

Cùng với đó, Thủ tướng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành bố trí nguồn vốn trên cho các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, tổ chức thực hiện với mục tiêu bảo đảm hoàn thành các dự án chất lượng, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành việc giải ngân.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2024, số vốn giải ngân cho các dự án nêu trên đạt 2.622,76 tỷ đồng, bằng 65,57% kế hoạch. Chỉ có Trà Vinh hoàn thành giải ngân 200 tỷ đồng cho 2 dự án, gồm: Phòng chống xâm thực, xói lở biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải (đoạn còn lại) với mức vốn 90 tỷ đồng; Kè chống sạt lở bờ biển khu vực xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải với mức vốn 110 tỷ đồng. Được biết, Trà Vinh phân bổ nguồn vốn cho 2 dự án trên vào đầu tháng 12/2023, quyết tâm triển khai và hoàn thành giải ngân sớm hơn 1 tháng so với thời hạn yêu cầu.

Nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân trên 80% gồm: Đồng Tháp (88,22%), Hậu Giang (86%), Tiền Giang (85,01%). Ba địa phương này được hỗ trợ 650 tỷ đồng cho 5 dự án, có khả năng cán đích giải ngân 100% số vốn được bố trí. Cụ thể, Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách trên sông Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) giải ngân đạt 85,1%; Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Lái Hiếu (TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) giải ngân đạt 76,32%; Dự án Xử lý sạt lở bờ kênh Nàng Mau (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đạt 89,22%; Dự án Kè Hổ Cứ (TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đạt 88,22%...

Ông Nguyễn Văn Nhiều, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, chủ đầu tư Dự án Kè Hổ Cứ cho biết, Ban quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán và đã hoàn thành giải ngân số vốn được hỗ trợ vào giữa tháng 12/2024.

Nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch, gồm: Bến Tre (57,85%), Sóc Trăng (71,72%), Cà Mau (77,31%), Vĩnh Long (63,95%), Long An (65,57%), Kiên Giang (60,13%), Cần Thơ (67,88%). Tổng số vốn bố trí cho 12 dự án chống sạt lở tại 7 địa phương này là 2.600 tỷ đồng. Bộ Tài chính đánh giá, quỹ thời gian còn lại rất eo hẹp, nhóm các địa phương này rất khó có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân. Nhiều dự án chống sạt lở đang chịu áp lực rất lớn về giải ngân như: Dự án Kè chống sạt lở thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An) được bố trí 120 tỷ đồng nhưng mới giải ngân 69,47 tỷ đồng (57,89% kế hoạch); Dự án Phòng chống xâm thực, xói lở biển huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) được bố trí 200 tỷ đồng, giải ngân được 111,69 tỷ đồng (55,84%); Dự án Sửa chữa kè sông Cổ Chiên (TP. Vĩnh Long) được bố trí 500 tỷ đồng, giải ngân được 319,75 tỷ đồng (63,95%); Dự án Đầu tư xử lý sạt lở bờ biển đoạn Thứ Hai - Xẻo Bần (huyện An Biên, An Minh, tỉnh Kiên Giang) được bố trí 250 tỷ đồng, giải ngân 135,22 tỷ đồng (54,09%).

Đáng lo ngại nhất là 2 địa phương An Giang và Bạc Liêu có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Được biết, ngày 20/10/2023, UBND tỉnh An Giang đã có các quyết định phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho 2 dự án và giao TX. Tân Châu và huyện An Phú làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2024, Dự án Tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong được bố trí 120 tỷ đồng, giải ngân 3,86 tỷ đồng, đạt 3,22% kế hoạch; Dự án Kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới được bố trí 130 tỷ đồng, giải ngân được 2,71 tỷ đồng, đạt 2,08%.

Tỉnh Bạc Liêu được hỗ trợ 300 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng kè Nhà Mát đoạn từ cầu Nhà Mát đến cống Nhà Mát (giai đoạn 1) nhưng mới giải ngân được 123,9 tỷ đồng (41,3% kế hoạch).

Một số chủ đầu tư cho biết, đặc thù của dự án phòng chống sạt lở là gấp rút. Dù địa phương đã sớm phân bổ vốn cho các dự án, nhưng quá trình triển khai cần hoàn tất nhiều thủ tục, thêm vào đó là khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng (cát), nên mục tiêu hoàn thành giải ngân vào cuối tháng 12/2024 là thách thức lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao.

Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân, thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 bổ sung cho các dự án phòng, chống sạt lở theo quy định.

Tin cùng chuyên mục