77,82% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Chiều ngày 9/1, Quốc hội thông qua Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với 77,82% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào ngày 9/1/2023

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào ngày 9/1/2023

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 Chương, 121 Điều; trong đó, quy định 1 mục riêng về các điều kiện bảo đảm về tài chính cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) tại Chương X của dự thảo Luật. Luật có 9 nhóm điểm mới cơ bản như: các quy định liên quan đến người bệnh; các quy định liên quan đến người hành nghề; các quy định liên quan đến cơ sở KCB; quy định chuyên môn kỹ thuật; tài chính tại các cơ sở KCB; bổ sung các điều kiện bảo đảm khác như quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động KCB…

Trước đó, thừa ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, UBTVQH đánh giá việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra, đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ KCB; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở KCB của Nhà nước và tư nhân...

Tuy nhiên, để bảo đảm Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi, đặc biệt là nội dung mới của Luật, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, cơ sở KCB, cán bộ y tế và cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật.

Cơ sở KCB tự chủ được quyền tự quyết định giá dịch vụ KCB

Trong đó, một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của các ĐBQH là vấn đề tài chính tại các cơ sở KCB. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bổ sung quy định về tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước, trong đó khẳng định cơ sở KCB của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở KCB tự chủ và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Bổ sung quy định về xã hội hóa trong hoạt động KCB và quy định hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động KCB.

Đồng thời, Luật quy định cụ thể giá KCB theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá KCB; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ KCB; căn cứ, nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền định giá dịch vụ KCB.

Cơ sở KCB tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền tự quyết định giá dịch vụ KCB, nhưng phải đảm bảo điều kiện là không được vượt quá giá dịch vụ KCB tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, trừ giá dịch vụ KCB theo yêu cầu và giá dịch vụ KCB hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan; trong đó, có hình thức liên doanh, liên kết. Tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở KCB được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng.

Đối với các hình thức thu hút nguồn lực xã hội, Luật cũng quy định rõ 7 hình thức, gồm: Đầu tư thành lập cơ sở KCB tư nhân; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở KCB; Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở KCB; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo Ủy viên UBTVQH Nguyễn Thúy Anh, các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở KCB của Nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau từ luật đến nghị định của Chính phủ và đang có những vướng mắc nhất định, cần được tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện trong thời gian tới. Để có thể giải quyết một cách triệt để, về lâu dài, cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn. Dự thảo Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc, khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện sẽ kết nối thực hiện được.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu tại buổi họp báo ngay sau khi Quốc hội bế mạc Kỳ họp, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội chủ yếu tập trung vào hoạt động chuyên môn KCB, trong đó có quy định một số chính sách để hoạt động KCB trong thời gian tới thực hiện hiệu quả hơn.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang rà soát lại bất cập chung trong hoạt động mua sắm, đấu thầu, trong đó có ngành y tế… Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong kỳ họp tới. Những quy định mới trong Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua sắm, đấu thầu của ngành y tế hiện nay.

Đồng thuận với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, mặc dù Luật Khám bệnh, chữa bệnh chưa có sự thống nhất cao, nhiều nội dung tiếp tục giao Chính phủ xem xét hướng dẫn dưới Luật, nhưng tổng thể, Luật đã được các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng, bao quát được tất cả các vấn đề vướng mắc, bất cập hiện nay và đề xuất các giải pháp khắc phục. Các vấn đề tài chính y tế đã có căn cứ pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho các chủ thể trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Một số giải pháp hiện còn có nhiều tranh luận, chưa đạt được sự thống nhất cao đã thể hiện tính chất phức tạp, và chưa có giải pháp nào thực sự rõ ràng, chắc chắn, vì vậy Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dần chính sách.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cùng với một số luật khác đang được hoàn thiện, giải trình như Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Quản lý tài sản công… sẽ góp phần đồng bộ chính sách pháp luật, tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, cũng như tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành y tế nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục