Đoàn công tác của Cục Quản lý đấu thầu khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về đấu thầu tại Mông Cổ |
Tại quốc gia nằm trên núi cao 1560 m so với mặt biển, rộng gấp 5 lần lãnh thổ Việt Nam, nhưng chỉ có khoảng 3 triệu dân mà phần đa sống du mục này, điều đáng ngạc nhiên là 100% gói thầu đều phải được thực hiện đấu thầu qua mạng. Ghi nhận của Đoàn công tác cho thấy rất ấn tượng về một chính phủ điện tử, trong đó đấu thầu qua mạng là nòng cốt được triển khai rất tốt trên xứ sở thảo nguyên mênh mông này.
Mục tiêu 100% gói thầu đấu thầu qua mạng
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Trưởng đoàn Đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm về hệ thống thống kê, giám sát, đánh giá công tác đấu thầu tại Mông Cổ, so với Việt Nam, Luật Đấu thầu được ban hành tại Mông Cổ khá sớm. Năm 2000, Luật Đấu thầu đầu tiên ở quốc gia này được ban hành. Đặc điểm nổi bật của đạo luật này là đấu thầu mua sắm công được thực hiện một cách tập trung.
Sau quá trình thực hiện, năm 2005, Mông Cổ ban hành Luật Đấu thầu sửa đổi. Tiếp đó, Luật Đấu thầu của Mông Cổ được sửa đổi 3 lần vào các năm 2007, 2009, 2011. Hiện nay, hoạt động đấu thầu tại quốc gia này được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu năm 2011. Theo đó, 100% gói thầu phải được thực hiện đấu thầu qua mạng.
Theo đánh giá của Ủy ban Luật quốc tế của Liên hiệp quốc (UNCITRAL), Luật Đấu thầu năm 2011 của Mông Cổ đạt chất lượng cao so với các nước châu Á và trên thế giới căn cứ theo tiêu chuẩn của tổ chức này.
Hệ thống đấu thầu điện tử hiệu quả
Kể từ năm 2006, Mông Cổ bắt đầu xây dựng Hệ thống đấu thầu điện tử. Tuy nhiên, đây mới là những hệ thống đơn lẻ để thu thập, công khai thông tin trong đấu thầu (www.e-procurement.mn). Hệ thống này chỉ có chức năng thu thập, đăng tải thông tin (thông báo mời thầu) các cuộc thầu để thu hút sự tham gia của các nhà thầu. Năm 2011, Hệ thống thông tin điện tử về kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Procurement Planning Information System) được ra đời nhằm đăng tải các thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Năm 2012, Hệ thống đấu thầu qua mạng E-Procurement System (www.meps.gov.mn) được xây dựng (do tổ chức KOICA Hàn Quốc tài trợ) với các tính năng: mở thầu qua mạng, danh mục hàng hóa điện tử, Trung tâm mua sắm cho các thỏa thuận/hợp đồng khung và kết quả lựa chọn nhà thầu.
Sau quá trình triển khai các hệ thống nêu trên, nhận thấy sự thiếu đồng bộ về tổng hợp thông tin cũng như các chức năng trong hoạt động đấu thầu qua mạng, năm 2016, cùng với sự giúp đỡ của WB, Chính phủ Mông Cổ đã nghiên cứu xây dựng thành công và đưa vào sử dụng Hệ thống đấu thầu qua mạng hoàn chỉnh. Hệ thống đấu thầu qua mạng này (E-Procurement System www.tender.gov.mn) bao gồm các chức năng cơ bản như: Công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Đấu thầu điện tử/qua mạng, Trung tâm mua sắm điện tử, Bộ mẫu linh hoạt trong đấu thầu điện tử, Hợp đồng điện tử, Danh mục thông tin từng loại hàng hóa mua sắm, Cập nhật đăng ký và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/nhà thầu, Ứng dụng đấu thầu qua mạng cho điện thoại thông minh…
Đoàn công tác được giới thiệu rằng, với hệ thống đấu thầu qua mạng mới, Mông Cổ đã tích hợp để thu thập số liệu trong lịch sử của 3 hệ thống cũ trước đó, đồng thời quy định tất cả các gói thầu phải thực hiện đấu thầu qua mạng thông qua hệ thống mới này. Theo đó, tất cả các thông tin về hoạt động đấu thầu trên toàn quốc luôn được cập nhật đầy đủ, thống nhất, xác thực trên cùng một hệ thống. Vì vậy, công tác thống kê, giám sát và đánh giá hoạt động đấu thầu được thực hiện một cách kịp thời và chính xác thông qua việc trích xuất, phân tích dữ liệu từ hệ thống này. Bên cạnh đó, Hệ thống có đặc điểm nổi bật là có sự kết nối thông tin với các hệ thống cơ sở dữ liệu khác nhằm phục vụ cho việc trao đổi, xác minh, cập nhật thông tin trong hoạt động đấu thầu như: hệ thống thuế, hệ thống đăng ký doanh nghiệp, hệ thống chữ ký điện tử, hệ thống thông tin tài chính,…
Đại diện Đoàn công tác cho biết thêm: “Quá trình xây dựng Hệ thống đấu thầu qua mạng cũng được thực hiện rất ấn tượng và hiệu quả. Thời gian xây dựng Hệ thống ngắn (trong vòng 01 năm), chi phí thấp, do đơn vị nhà thầu nội địa phối hợp với các cán bộ phụ trách về đấu thầu thuộc cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cấp trung ương thực hiện. Khi xây dựng hệ thống, Mông Cổ đã có những cách nhìn nhận rất xác đáng, tư duy mạch lạc, tập trung đưa ra các tính năng của Hệ thống để có thể đáp ứng được tất cả các quy trình, các tình huống có thể xảy ra trong đấu thầu và nhu cầu của các bên tham gia. Từ những nỗ lực này, Mông Cổ đã xây dựng được một hệ thống đấu thầu qua mạng hoàn chỉnh”.
Khả năng áp dụng cho Việt Nam
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, qua quá trình làm việc, Đoàn công tác nhận thấy rằng, so sánh với Mông Cổ và một số quốc gia khác, hệ thống chính sách pháp luật về đấu thầu của Việt Nam khá toàn diện, đầy đủ, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, so với Mông Cổ thì Việt Nam còn thiếu một số quy định hướng dẫn về mẫu hồ sơ mời thầu và một số biểu mẫu khác dưới hình thức điện tử (web form) dành cho đấu thầu qua mạng.
Về đấu thầu qua mạng, ông Tuấn nhấn mạnh: “Hệ thống đấu thầu qua mạng của Mông Cổ là một hệ thống với đầy đủ tính năng và được áp dụng cho tất cả các gói thầu trên toàn quốc. Đồng thời, hệ thống này bao gồm cả chức năng thống kê, giám sát và đánh giá hoạt động đấu thầu trên toàn quốc. Đây là một hệ thống hoàn chỉnh mà chúng ta cần học tập từ mô hình, cách thức xây dựng hiệu quả đến các tính năng cụ thể để áp dụng phát triển tại Việt Nam”.
Về công tác thống kê, giám sát và đánh giá hoạt động đấu thầu, Đại diện Đoàn công tác cho rằng: “Mô hình cần học tập và áp dụng cho công tác thống kê, giám sát và đánh giá hoạt động đấu thầu chính là một hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoàn chỉnh, đồng bộ các chức năng như hệ thống tại Mông Cổ. Tuy nhiên, với đặc thù của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ở nước ta hiện nay, trong ngắn hạn, Việt Nam cần triển khai theo hướng tiếp tục phát triển, hoàn thiện công cụ thống kê, giám sát và đánh giá trong đấu thầu và tích hợp với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.