“Áo mới” cho Khu kinh tế Dung Quất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng KKT này sẽ có tấm “áo mới”. Theo đó, Dung Quất sẽ trở thành một khu vực phát triển kinh tế năng động, đột phá, hiện đại, hiệu quả và bền vững; xứng đáng với vị thế của một trung tâm kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của quốc gia.
Khu kinh tế Dung Quất được định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng. Ảnh: Hà Minh
Khu kinh tế Dung Quất được định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng. Ảnh: Hà Minh

Hạt nhân tăng trưởng kinh tế

Từng là KKT ven biển đầu tiên của duyên hải miền Trung, Dung Quất được kỳ vọng sẽ là hạt nhân trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi và có sức lan toả khu vực. Điều này đã phần nào đạt được khi hàng năm KKT Dung Quất đóng góp từ 85 - 90% giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, KKT Dung Quất cùng với các khu công nghiệp (KCN) trong Tỉnh thu hút 350 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ USD đến từ các dự án: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp Luyện cán thép Hòa Phát, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Vina, gần đây là một số dự án đầu vào KCN Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi…

Tuy nhiên, thu hút đầu tư thời gian qua tại Dung Quất bị chững lại, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư rồi lại ra đi. Nguyên nhân được chỉ ra là hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu quỹ đất, mặt bằng sạch cho nhà đầu tư…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung KKT Dung Quất để khai thông những điểm nghẽn và xác định rõ hơn tầm nhìn, mục tiêu phát triển. Đó là sắp xếp, phân bổ lại không gian phát triển giữa công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ tránh xung đột lẫn nhau; đánh giá kỹ hiện trạng sử dụng đất để xác định quỹ đất phù hợp với khả năng nguồn lực thực hiện.

Theo ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Đồ án quy hoạch KKT Dung Quất đến năm 2035 và định hướng đến năm 2050 có diện tích quy hoạch hơn 45 nghìn ha, gồm 33.581 ha đất liền, khoảng 1.039 ha diện tích đảo Lý Sơn và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711 ha. Trong đồ án quy hoạch lần này, Quảng Ngãi hướng đến phát triển KKT Dung Quất trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng được thừa hưởng từ các dự án đã đầu tư như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất và nhiều dự án trọng điểm khác.

Thu hút đầu tư thời gian qua tại Dung Quất bị chững lại, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư rồi lại ra đi. Nguyên nhân được chỉ ra là hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu quỹ đất, mặt bằng sạch cho nhà đầu tư…

Về định hướng phát triển không gian, KKT Dung Quất được chia thành 5 phân khu chức năng, đó là: phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và phân khu đô thị Lý Sơn.

Về định hướng phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2025, huyện Lý Sơn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV và toàn huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị xã Bình Sơn trực thuộc Tỉnh. Trong giai đoạn 2026 - 2035, huyện Lý Sơn phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV và đô thị Bình Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III. Bước sang giai đoạn 2036 - 2050, sẽ đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nâng cao cho các đô thị, hướng tới thành lập 2 thành phố Bình Sơn và Lý Sơn trực thuộc Tỉnh; từng bước hình thành vùng đô thị động lực phía Bắc Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Về các hành lang liên kết, theo Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng, quy hoạch sẽ bám sát hệ thống giao thông quốc gia ở phía Tây KKT gồm: Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc, đường sắt Bắc - Nam là hành lang kinh tế kỹ thuật chính để cấu trúc lại mạng lưới giao thông trong KKT; đưa vào quy hoạch bổ sung thêm trục ngang kết nối từ cao tốc Bắc - Nam qua Bình Hiệp, KCN Bình Thanh đến Khu đô thị Vạn Tường; từ cao tốc Bắc - Nam qua Tịnh Phong, KCN Dung Quất II kết nối với trục đường ven biển. Bổ sung trục dọc trung tâm KKT (trục đường Dốc Sỏi - Hoàng Sa) kết nối Sân bay Chu Lai - Dung Quất - TP. Quảng Ngãi...

Cơ hội xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển

Theo tiến độ lập quy hoạch điều chỉnh KKT Dung Quất do Viện Quy hoạch và Phát triển nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn) báo cáo gần đây thì đồ án đang đi đến những bước cuối cùng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đồ án đang nhận được những phản biện từ các chuyên gia mà nếu được phê duyệt thì cần phải điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng.

TS. Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, quy hoạch nên giữ lại cảng Dung Quất và chuyển thành cảng du lịch; khu vực Châu Ổ nên tiết giảm phát triển đô thị cho phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài ra, quy hoạch cần làm đậm nét Khu đô thị Vạn Tường là vùng lõi phát triển trong tương lai của KKT Dung Quất; các khu đô thị Bình Thanh, Bình Châu nên làm rõ thêm các yếu tố phục vụ cho sự phát triển đô thị vệ tinh trong chiến lược thu hút đầu tư các lĩnh vực, ngành mà Quảng Ngãi đang đặt trọng tâm.

Theo chuyên gia hạ tầng đô thị Trần Anh Tuấn, đối với khu vực ven biển KKT Dung Quất, tư vấn cần đánh giá thêm về vấn đề an toàn đường thủy, cấp nước, xử lý chất thải rắn; năng lực vận hành hiện trạng giao thông vận tải, giao thông đô thị; nghiên cứu lại cao độ của quy hoạch mới; tính toán mạng lưới cấp thoát nước và công suất của hạ tầng điện...

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đề xuất, đồ án cần đi sâu hơn vào vấn đề đô thị thông minh tại KKT Dung Quất, bảo vệ môi trường và di dân tái định cư…; sự cần thiết và phù hợp thu hút đầu tư trung tâm năng lượng (điện gió, năng lượng tái tạo); xác định rõ hơn vai trò của huyện đảo Lý Sơn; xử lý nước thải KCN; chú ý vấn đề biến đổi khí hậu; đồng thời rà soát lại, bổ sung các căn cứ pháp lý, nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, loại bỏ những văn bản, nội dung không còn phù hợp.

Kỳ vọng vào điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất lần này, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ lớn, quan trọng, tác động lâu dài đến mục tiêu phát triển của Tỉnh. Việc điều chỉnh quy hoạch là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, sắp xếp phân bổ không gian phát triển KKT Dung Quất một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, giúp Quảng Ngãi nâng cao sự gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư, mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư kinh doanh mới, bảo đảm sự phát triển hiệu quả, bền vững”.

Tin cùng chuyên mục