TP. Quảng Ngãi là đô thị lõi, đô thị hạt nhân lan tỏa, liên kết các đô thị khu vực tại Quảng Ngãi. Ảnh: Hà Minh |
Định hình
Xuất phát điểm thấp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, không những vậy, Quảng Ngãi lại nằm ở Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hàng năm chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai. Dù vậy, bằng ý chí tự lực, tự cường, sự hỗ trợ từ Trung ương, Quảng Ngãi đã định hình, phát triển đô thị theo từng giai đoạn. Từ một đô thị trung tâm (TP. Quảng Ngãi), đã phát triển mở rộng 13 đô thị, bao gồm cả đô thị loại II, loại IV và đô thị loại V.
Hệ thống đô thị phát triển theo trục Bắc - Nam, với điểm đầu là Dốc Sỏi, Châu Ổ, đô thị Vạn Tường (huyện Bình Sơn) - TP. Quảng Ngãi ở vị trí trung tâm - kéo dài xuống phía Nam từ La Hà, Sông Vệ, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và kết thúc tại Sa Huỳnh với quy hoạch cụ thể từng cụm. Cụm đô thị động lực trung tâm là TP. Quảng Ngãi và đô thị vệ tinh; khu vực Châu Ổ - đô thị Vạn Tường đóng vai trò là trung tâm phía Bắc của Tỉnh, thị xã Đức Phổ đóng vai trò trung tâm phía Nam. Những năm gần đây, không gian đô thị được quy hoạch mở rộng về phía Tây với các đô thị mới: thị trấn Di Lăng; Ba Vì và đô thị biển đảo Lý Sơn.
Mạng lưới đô thị Quảng Ngãi có sự cải thiện lớn từ sau năm 2020 nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ đô thị hóa đến cuối năm 2022 đạt khoảng 29,17%, đến năm 2025 ước đạt khoảng 35%. Thành quả trên có được nhờ ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng tại các đô thị; hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (giao thông, cấp điện, thoát nước...) được chú trọng, bước đầu được ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện. Song song đó, hạ tầng xã hội đô thị và các khu dân cư cũng từng bước được đầu tư, cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi có một lợi thế là sự phát triển chậm giai đoạn trước lại là dư địa để Tỉnh quy hoạch không gian phát triển cho giai đoạn sắp tới, nhất là duyên hải khu vực phía Nam, từ TP. Quảng Ngãi đến Sa Huỳnh. Với khu vực miền núi và trung du, dù gặp khó khăn trong việc xây dựng đô thị nhưng vẫn có triển vọng sáng về phát triển kinh tế xanh gắn với lâm nghiệp trong tương lai.
Phân chia giai đoạn phát triển
Theo định hướng quy hoạch hệ thống đô thị (được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi), dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị Quảng Ngãi dựa trên 4 hành lang kinh tế chính (hành lang Bắc - Nam quốc gia; hành lang liên kết nội tỉnh dọc theo các tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ; hành lang Đông - Tây phía Bắc; hành lang Đông - Tây phía Nam), 6 không gian phân vùng phát triển kinh tế - xã hội (vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng kinh tế công nghiệp phía Bắc; vùng kinh tế sinh thái ven biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển đảo) và 5 vùng liên huyện (TP. Quảng Ngãi - huyện Tư Nghĩa; Bình Sơn - Sơn Tịnh; Đức Phổ - Nghĩa Hành - Mộ Đức; Trà Bồng - Sơn Tây - Sơn Hà - Ba Tơ - Minh Long; huyện đảo Lý Sơn).
Giai đoạn 2026 - 2030, TP. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đạt một số tiêu chí đô thị loại I, gắn với phát triển không gian đô thị cấp vùng. Các đô thị hiện hữu như Bình Sơn, Đức Phổ, đặc biệt là đô thị loại IV sẽ được nâng cấp hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại III, hướng đến phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ nay đến năm 2050, đô thị của tỉnh Quảng Ngãi sẽ được phát triển theo 3 lộ trình. Theo đó, giai đoạn đến 2025 ưu tiên phát triển trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm huyện lỵ và các đô thị động lực gắn với trọng điểm kinh tế của Tỉnh. Trong đó, mở rộng không gian đô thị TP. Quảng Ngãi, nâng cấp một số xã thành phường nhằm bảo đảm không gian phát triển, là trung tâm động lực phát triển của Tỉnh, kết nối vùng và quốc gia, kết nối các vùng không gian sản xuất, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Trà Khúc dần phát triển ra hướng biển; phấn đấu hình thành các đô thị mới: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Minh Long.
Giai đoạn 2026 - 2030, TP. Quảng Ngãi đặt mục tiêu đạt một số tiêu chí đô thị loại I, gắn với phát triển không gian đô thị cấp vùng. Các đô thị hiện hữu như Bình Sơn, Đức Phổ, đặc biệt là đô thị loại IV sẽ được nâng cấp hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại III, hướng đến phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến tới khai thác hiệu quả thế mạnh hệ thống giao thông quốc gia, hoàn thiện hệ thống đô thị ven trục Bắc - Nam và hành lang đô thị ven biển. Rà soát cân đối nguồn lực để nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị Di Lăng và vùng mở rộng (huyện Sơn Hà), đô thị Ba Tơ và vùng mở rộng (huyện Ba Tơ) đạt một số tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Trà Xuân và vùng mở rộng (huyện Trà Bồng). Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên mức trung bình cả nước, từ 50 - 60%.
Giai đoạn 2031 - 2050 ưu tiên các nguồn lực, giải pháp nâng cao chất lượng đô thị TP. Quảng Ngãi (đô thị loại I), thị xã Bình Sơn (đô thị công nghiệp dịch vụ du lịch), Đức Phổ (đô thị văn hóa du lịch dịch vụ gắn với không gian văn hóa Sa Huỳnh) thành đô thị loại III. Phát triển Lý Sơn đạt chuẩn đô thị loại III theo hướng đô thị biển đảo đặc sắc và nâng cấp các đô thị hiện hữu khác. Mở rộng không gian đô thị TP. Quảng Ngãi dọc sông Trà Khúc về phía Bắc thuộc huyện Sơn Tịnh và phía Nam về huyện Tư Nghĩa phát triển trung tâm du lịch dịch vụ về phía biển. Đặc biệt, hình thành chuỗi đô thị sinh thái xanh lam dọc theo tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh và chuỗi đô thị sinh thái xanh lục khu vực miền núi bao gồm Sơn Tây, Di Lăng (Sơn Hà), Bà Vì (Ba Tơ)…
Và hành động
Ngày 12/8/2022, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu nhằm xây dựng và cơ bản hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy, đặc biệt là các giá trị kiến trúc truyền thống.
Trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TW, Chương trình hành động số 21-CTr/TU, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 22/9/2022 để triển khai thực hiện bằng những giải pháp cụ thể, phân công trực tiếp đầu mối công việc cho các sở, ngành liên quan. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Đặc biệt, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới từ đô thị lõi TP. Quảng Ngãi đến các đô thị vệ tinh hiện hữu, quy hoạch và xây dựng đô thị trong tương lai.