APEC 2017: Chủ tịch KAMA: Cách mạng công nghiệp mang lại cơ hội mới cho Việt Nam

Thông qua sự phát triển toàn diện của các ngành công nghiệp liên quan, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách phát triển trong ngành công nghiệp ô tô so với các nền kinh tế APEC khác.
Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách phát triển trong ngành công nghiệp ô tô so với các nền kinh tế APEC khác. Ảnh minh họa: TTXVN
Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách phát triển trong ngành công nghiệp ô tô so với các nền kinh tế APEC khác. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (IR4) có thể sẽ dẫn tới việc tái cấu trúc hệ thống sản xuất công nghiệp toàn cầu, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về mặt quản lý và thiết lập các mô hình kinh doanh mới.

Trong khi đó, sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển đang cản trở sự liên kết trong ngành công nghiệp ô tô giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM2) và các hoạt động liên quan tại Hà Nội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Yong Geun Kim, Chủ tịch Hiệp hội các nhà chế tạo ô tô Hàn Quốc (KAMA).

Phóng viên: Hiện đang tồn tại một khoảng cách phát triển lớn trong ngành công nghiệp ô tô giữa các nền kinh tế APEC. Theo ông, chúng ta nên làm gì để thu hẹp khoảng cách này?

Ông Yong Geun Kim: Sự đa dạng trong phát triển ngành công nghiệp ô tô giữa các nền kinh tế APEC là do lịch sử phát triển cùng các chính sách khác nhau của chính phủ.

Về cơ bản, ngành công nghiệp ô tô không chỉ kết nối với các ngành công nghiệp thượng nguồn như thép, điện tử và hóa chất, mà còn có liên kết chặt chẽ với các ngành công nghiệp hạ nguồn như sản xuất linh kiện, dịch vụ sau bán hàng, ngân hàng và vận tải.

Do đó, ngành công nghiệp ô tô chỉ có thể được phát triển tốt hơn thông qua phương pháp tiếp cận tích hợp hơn là theo cách phân tán bởi vì, chúng ta hầu như không thể phát triển ngành công nghiệp này mà không có sự hỗ trợ song hành của các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Thông qua sự phát triển toàn diện của các ngành công nghiệp liên quan, Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách phát triển trong ngành công nghiệp ô tô so với các nền kinh tế APEC khác.

Về mặt lịch sử, Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô dựa trên nền tảng chắc chắn của các ngành công nghiệp nặng và hệ thống sinh thái có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô.

Phóng viên: Theo ông, IR4 sẽ tác động như thế nào đến ngành công nghiệp ô tô trong khu vực APEC, nhất là các nền kinh tế có nền công nghiệp ôtô kém phát triển như Việt Nam ? APEC nên làm gì để đối phó với những tác động đó?

Ông Yong Geun Kim: IR4 trong ngành công nghiệp ô tô dự kiến sẽ xoay quanh công nghệ Vạn vật Kết nối (Internet of Things), công nghệ kết nối, tính di động thông minh và điện khí hóa.

Cuộc cách mạng này diễn ra sẽ mang lại một sự thay đổi đáng kể trong toàn bộ ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cơ cấu ngành công nghiệp, việc làm, các nền kinh tế hàng đầu, các công ty liên quan…, đồng thời tạo cơ hội mới cho những nền kinh tế kém phát triển hơn như Việt Nam.

Bởi vậy, để có thể tận dụng một cách hiệu quả hơn những tác động mà IR4 mang lại, chúng ta cần tăng cường các cuộc thảo luận liên quan tại những cuộc họp như Đối thoại APEC về ngành công nghiệp ô tô, về các chủ đề như làm thế nào để giảm thiểu tác động của IR4 đối với ngành công nghiệp ô tô trong các nền kinh tế APEC cũng như cách thức đối phó hiệu quả với các tác động này.

Phóng viên: Cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu, trong đó có ô tô, đã giảm đáng kể. Điều này khiến cho số lượng ô tô nhập khẩu từ các nền kinh tế khác vào Việt Nam tăng mạnh và đẩy các doanh nghiệp sản xuất/lắp ráp ô tô trong nước vào tình cảnh khó khăn. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để đối phó với làn sóng ô tô nhập khẩu này?

Ông Yong Geun Kim: Các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương có thể giúp các nền kinh tế thành viên APEC tăng cường hội nhập về kinh tế và công nghiệp, cũng như mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư.

Bên cạnh đó, những hiệp định này cũng giúp tạo ra một chuỗi giá trị, nơi các nước tham gia có thể góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô của mình.

Trong những thập kỷ qua, Hàn Quốc đã nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô bằng cách mở cửa thị trường. Tương tự, Việt Nam có thể cải thiện tính cạnh tranh của mình qua việc dần mở cửa thị trường sử dụng các hiệp định thương mại tự do.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu theo dạng CKD từ Hàn Quốc (nghĩa là xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu).

CKD được cho là hình thức kinh doanh có tác động mạnh mẽ hơn trong tạo việc làm và xây dựng ngành công nghiệp ô tô địa phương, hơn là chỉ đơn thuần nhập khẩu và bán xe thành phẩm.

Tuy nhiên, từ năm 2018, hoạt động lắp ráp CKD của các nhà sản xuất Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi các loại xe thành phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN lân cận sẽ được miễn thuế theo khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này sẽ khiến những loại xe được lắp ráp tại Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn do mức thuế nhập khẩu linh kiện CKD lên đến 25%.

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để xây dựng một ngành công nghiệp ô tô một cách thành công như Hàn Quốc?

Ông Yong Geun Kim: Đầu những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô thông qua hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, đồng thời phát triển các ngành liên quan.

Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp ôtô đã tăng nhanh cùng với sự gia tăng của thu nhập quốc gia, và Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện mở cửa thị trường ô tô để cạnh tranh với thế giới từ giữa những năm 1980, khi ngành công nghiệp này đã tăng trưởng tới mức đủ để đối phó với các thách thức đến từ các đối thủ cạnh tranh bên ngoài.

Tuy nhiên, đối với mỗi vấn đề sẽ có những cách xử lý khác nhau. Việc Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm và con đường phát triển công nghiệp của Hàn Quốc một cách hiệu quả hay không phụ thuộc vào những nỗ lực của không chỉ chính phủ mà còn của các khu vực tư nhân.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục