Bản tin thời sự sáng 16/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quốc hội dự kiến bầu tân Thủ tướng ngày 5/4; mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành dự kiến đầu tư khoảng 9.976 tỷ đồng; lắp cửa van thép 203 tấn cho cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam; đề xuất đầu tư 6 tuyến đường nối TP.HCM với Long An…

Quốc hội dự kiến bầu tân Thủ tướng ngày 5/4

Theo dự kiến kỳ họp Quốc hội sắp tới, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ vào 5/4, sau khi được Quốc hội bầu đảm nhiệm chức danh người đứng đầu Chính phủ.

Tại Hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII), Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu rất tập trung. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

Tại Hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII), Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu rất tập trung. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp này sẽ khai mạc vào 24/3 và kéo dài trong 12 ngày.

Theo dự kiến, quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp bắt đầu từ 30/3, khi Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm. Tân Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu vào ngày hôm sau.

Trong hai ngày 1 và 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm và bầu Chủ tịch nước mới. Tân Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp ngay sau khi Ban Kiểm phiếu công bố kết quả.

Chiều 2/4, Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng, sau đó Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để các đại biểu bầu tân Thủ tướng. Ngày 5/4, Quốc hội bầu người đứng đầu Chính phủ mới.

Cũng theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp tới đây, các đại biểu sẽ miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn một số chức danh khác trong bộ máy Nhà nước, như: Phó chủ tịch nước; Chánh án Toà án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; một số Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng thư ký Quốc hội; một số Phó thủ tướng và thành viên Chính phủ; Tổng kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, hội nghị Trung ương 2 (khóa XIII) đã thống nhất cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước; nhất trí cho thực hiện việc này tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV. Tại hội nghị này, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu rất tập trung.

Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành dự kiến đầu tư khoảng 9.976 tỷ đồng

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phương án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Phương án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), kinh phí nghiên cứu tiền khả thi sẽ được thanh toán theo kế hoạch vốn hàng năm, thời gian thực hiện từ 2021 - 2022.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị đang quản lý tuyến cao tốc, đề xuất cơ chế đầu tư phù hợp quy định.

Tháng 10/2020, Tổng công ty Cửu Long (tiền thân của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) đã trình Bộ GTVT phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để giải quyết ùn tắc và đáp ứng nhu cầu phương tiện tăng trên tuyến này.

Đoạn mở rộng được đề xuất dài 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (Quận 2, TP.HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Đoạn này mở rộng mặt đường gấp đôi hiện nay, từ 4 lên 8 làn xe. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên.

Các nút giao trên tuyến như An Phú, Vành đai 3, Quốc lộ 51 cũng sẽ được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc.

Tổng kinh phí mở rộng cao tốc dự kiến khoảng 9.976 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 300 tỷ đồng. Tổng công ty Cửu Long hiện kiến nghị Bộ GTVT xem xét phương án đầu tư công và làm việc với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đề xuất tài trợ vốn ODA cho dự án.

Lắp cửa van thép 203 tấn cho cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam

Cửa van cống bằng thép nặng đến 203 tấn đã được nhà thầu lắp đặt thành công tại dự án thủy lợi lớn nhất Việt Nam trên sông Cái Lớn và Cái Bé (tỉnh Kiên Giang).

Để lắp đặt van thép 203 tấn thành công, nhà thầu đã tập dượt 3 ngày

Để lắp đặt van thép 203 tấn thành công, nhà thầu đã tập dượt 3 ngày

Van thép đầu tiên nặng 203 tấn, cao 9 m, ngang 40 m, vừa được nhà thầu lắp đặt thành công tại cống thủy lợi Cái Lớn tại tỉnh Kiên Giang. 10 van còn lại của cống này (nặng 162 - 203 tấn) được lắp từ nay đến cuối tháng 6.

Lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) cho biết, cống Cái Lớn thuộc Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có vốn đầu tư trên 3.309 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất cả nước về quy mô, khẩu độ thông nước được xây dựng trên sông Cái Lớn và Cái Bé.

Do ảnh hưởng gió và dòng chảy trên sông Cái Lớn, việc di chuyển, cố định van vào khoang cống rất khó khăn. Nhà thầu phải tập dợt 3 ngày trước khi lắp đặt.

Theo chủ đầu tư, khi tất cả các cống của Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành vào cuối năm 2021, các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau kiểm soát được nguồn nước, sản xuất ổn định, bền vững cho 384.120 ha đất.

Đề xuất đầu tư 6 tuyến đường nối TP.HCM với Long An

6 tuyến kết nối TP.HCM và Long An, tổng vốn hơn 17.500 tỷ đồng được đề xuất đầu tư từ nay đến năm 2025 để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội hai địa phương.

Đoạn cuối đường Võ Văn Kiệt giao Quốc lộ 1 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đoạn cuối đường Võ Văn Kiệt giao Quốc lộ 1 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM, sau khi hai địa phương cùng kiểm tra hiện trạng, rà soát quy hoạch và thống nhất các vị trí cần tập trung đầu tư kết nối giao thông khu vực.

Dự án được ngành giao thông 2 địa phương kỳ vọng nhất là nối dài đường Võ Văn Kiệt từ huyện Bình Chánh đến Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hòa (Long An). Trong đó, đoạn qua TP.HCM đang chờ bổ sung vào quy hoạch làm đường dài 12,5 km, rộng 40 m, kinh phí 3.300 tỷ đồng.

Dự án mở mới đường Tây Bắc, tổng vốn dự kiến 6.460 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua TPHCM sẽ nâng cấp tuyến Nguyễn Thị Tú và đường Liên ấp 6-2-5, tổng chiều dài 10 km, rộng 40 m, kinh phí 5.200 tỷ đồng. Đoạn qua Long An làm mới gần 5 km, rộng 4 km, kinh phí 1.260 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa, đoạn từ Ngã Ba Giòng đến cầu TL9 và xây cầu Ông Lớn (huyện Hóc Môn), tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Đoạn đường nói trên dài khoảng 3,5 km, mở rộng lên từ 32 - 40 m cùng xây cầu Ông Lớn trên tuyến.

Dự án mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, dài 8,5 km, rộng 34 m, tổng vốn dự kiến 1.500 tỷ đồng (đã giải phóng mặt bằng). Đây là tuyến kết nối qua huyện Cần Giuộc, Long An.

Sở Giao thông vận tải cũng đề xuất từ nay đến năm 2025, Thành phố thống nhất chủ trương đầu tư 2 dự án khác là đường song song Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), dài 5,8 km, rộng 40 m, kinh phí khoảng 3.200 tỷ đồng; Dự án xây cầu Rạch Dơi (huyện Nhà Bè), tổng vốn đầu tư khoảng 781 tỷ đồng.

Phà, đò ở Hải Dương được hoạt động trở lại từ 0h ngày 15/3

Tỉnh Hải Dương cho phép các bến phà, đò hoạt động trở lại từ 0h ngày 15/3, sau gần một tháng tạm dừng để phòng dịch.

Người dân chen chúc lên phà Tuần Mây bắc qua sông Kinh Thầy, nối liền hai huyện Kinh Môn và Kim Thành của tỉnh Hải Dương

Người dân chen chúc lên phà Tuần Mây bắc qua sông Kinh Thầy, nối liền hai huyện Kinh Môn và Kim Thành của tỉnh Hải Dương

Riêng bến phà từ huyện Thanh Hà sang huyện Kim Thành hoạt động muộn hơn, từ ngày 18/3, do Kim Thành vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 về giãn cách xã hội.

Các phà, thuyền chỉ được chở tối đa 20 người mỗi chuyến, thực hiện 5K. Tại hai đầu bến, trên phương tiện phải có bảng hướng dẫn phòng dịch. Thanh tra giao thông sẽ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm phòng dịch.

Từ 16/2, Hải Dương dừng hoạt động tất cả bến phà, bến đò ngang sông, cùng thời điểm cách ly xã hội toàn Tỉnh.

Cướp ngân hàng BIDV tại Hà Nội bất thành

Người đàn ông mặc đồng phục một hãng xe ôm công nghệ, cầm vật nghi là súng và mìn xông vào ngân hàng BIDV Chi nhánh ở ngã tư Gạch, thị trấn Phúc Thọ, TP. Hà Nội.

Nghi phạm (mặc áo xe ôm công nghệ) lúc bị bắt

Nghi phạm (mặc áo xe ôm công nghệ) lúc bị bắt

Vụ việc xảy ra khoảng 12h trưa nay, 15/3, tại phòng giao dịch ngân hàng BIDV ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, khi các nhân viên đang nghỉ trưa, một người đàn ông mặc áo đồng phục của tài xế Grab xông vào phòng giao dịch, dùng vật giống súng và một bọc cuốn nilon đen giống mìn tự chế, đe dọa nhân viên để cướp tài sản.

Tuy nhiên, chưa kịp tẩu thoát, đối tượng đã bị lực lượng bảo vệ ngân hàng cùng Công an huyện Phúc Thọ khống chế, bắt giữ. Đối tượng sau đó bị đưa về trụ sở công an để làm rõ.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, đối tượng đã cướp được số tiền khoảng 70 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục