Bản tin thời sự sáng 19/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cơ quan thuế tiếp tục đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt; đề xuất loại Dự án Đại Ninh khỏi công trình trọng điểm ở Lâm Đồng; Khánh Hòa sắp đấu giá nhiều lô đất lớn; yêu cầu dừng mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ vốn 10.000 đồng…

Cơ quan thuế tiếp tục đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt

Lãnh đạo cơ quan thuế vẫn đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng nghiên cứu quy định thanh toán qua tài khoản với giao dịch mua bán vàng.

Người dân mua vàng trang sức tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Người dân mua vàng trang sức tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Tại họp báo thường kỳ chiều 18/6, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện mua bán vàng bằng tiền mặt rất dễ dàng.

Để chống thất thu ngân sách, theo ông Minh, Bộ Tài chính, ngành thuế đề xuất Ngân hàng Nhà nước phối hợp để đưa kinh doanh vàng vào quản lý thanh toán qua tài khoản, ngân hàng. Theo ông, giải pháp này giúp kiểm soát dòng tiền, chống rửa tiền và thực hiện chủ trương Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đề xuất hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt từng được cơ quan thuế đưa ra hồi tháng trước khi trả lời báo chí về quản lý với thị trường này. Trước đó, góp ý sửa Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng từng nhắc tới giải pháp này.

Theo Luật Quản lý thuế, thanh toán trực tuyến được áp dụng với tổ chức khi giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên, để họ được khấu trừ, tính vào chi phí. Do đó, nếu hạn chế tiền mặt khi mua bán vàng, giới chuyên môn cho rằng cần sự vào cuộc từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều chuyên gia tài chính, kinh tế cho rằng, đề xuất trên giúp tăng minh bạch thị trường vàng, nhưng họ cũng lo ngại tính khả thi nếu áp dụng thực tế, nhất là với người mua nhỏ lẻ, chưa có hiểu biết nhiều về công nghệ.

Hiện, cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp mua bán chế tác vàng bạc và hơn 5.000 hộ, cá nhân gia công mặt hàng này. Phần lớn người dân khi mua vàng trang sức, mỹ nghệ không lấy hóa đơn, dẫn tới khó khăn cho ngành thuế trong kiểm soát giao dịch.

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng, như năm 2023 khoảng 55,5 tấn, theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới.

Từ đầu năm đến nay, vàng áp đảo các kênh đầu tư khác nếu xét về mức độ sinh lời. Với vàng miếng, tỷ suất này là khoảng 22% sau 5 tháng, vượt xa gửi tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán hay trái phiếu.

Đề xuất loại Dự án Đại Ninh khỏi công trình trọng điểm ở Lâm Đồng

Sở Tài chính Lâm Đồng cho rằng, việc thực hiện Khu đô thị Đại Ninh không khả thi nên đề xuất loại Dự án ra khỏi danh sách công trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2025.

Hiện trạng khu vực thực hiện Dự án Khu đô thị Đại Ninh

Hiện trạng khu vực thực hiện Dự án Khu đô thị Đại Ninh

Trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài chính cho biết đã nhận được văn bản yêu cầu phối hợp đề xuất triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Liên quan Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, Bộ Tài chính nêu, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang điều tra, kiểm tra một số nội dung liên quan đến Dự án.

Cuối tháng 3, UBND Tỉnh cũng yêu cầu rà soát, đề xuất xử lý với Dự án Đại Ninh. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao thu hồi đất, thu hồi Dự án, căn cứ theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư.

Do đó, Sở Tài chính đánh giá cơ sở để thực hiện Khu đô thị Đại Ninh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là không khả thi. Cơ quan này đề nghị xem xét đưa Dự án ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của Tỉnh đến năm 2025.

Trước đó, hàng loạt quan chức tỉnh Lâm Đồng và Trung ương đã bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án liên quan siêu dự án Khu đô thị Đại Ninh.

Giữa năm 2020, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án này tại kết quả thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh thực hiện, được cấp phép đầu tư vào tháng 12/2010. Dự án có quy mô gần 3.600 ha, trong đó hơn 1.000 ha rừng thuê thuộc địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng.

Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ thực hiện từ 2010 đến 2018, tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Dự án mới chỉ xây dựng được vài công trình tạm, còn hiện trạng rừng bị phá, lấn chiếm hàng trăm ha.

Khánh Hòa sắp đấu giá nhiều lô đất lớn

5 khu tổng diện tích 102.400 m2 và 12 cơ sở nhà, đất được tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị đấu giá trong năm nay.

Khu đất Kho cảng Bình Tân rộng 35.000 m2 sắp được tỉnh Khánh Hòa đấu giá trong năm nay

Khu đất Kho cảng Bình Tân rộng 35.000 m2 sắp được tỉnh Khánh Hòa đấu giá trong năm nay

Thông tin được tỉnh Khánh Hòa giới thiệu tới các nhà đầu tư tại hội nghị đối thoại, xúc tiến tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và nhà đất 2024, ngày 18/6.

Các khu được giới thiệu có mục đích sử dụng đất đa dạng. Chẳng hạn, một phần khu đất ký hiệu BV03 thuộc khu đô thị Mỹ Gia (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang) có diện tích hơn 20.023 m2 là đất y tế. Lô đất HH3-1 và HH3-2 khu đô thị Mỹ Gia, gồm 6.000 m2 cây xanh và 31.000 m2 là đất hỗn hợp.

Khu đất kho cảng Bình Tân, 1A Phước Long, phường Vĩnh Nguyên rộng 35.000 m2 được quy hoạch đất ở đô thị và thương mại dịch vụ. Trên 4.700 m2 tại số 9 Trường Sơn, phường Vĩnh Nguyên được quy hoạch đất thương mại dịch vụ...

Ngoài ra, 12 cơ sở nhà, đất khác cũng được tỉnh Khánh Hòa tính đưa ra đấu giá năm nay.

Ông Lê Quốc Thành, Phó giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa cho biết, Tỉnh sẽ đấu giá 41 cơ sở nhà, đất tới 2025. Riêng năm nay, khoảng 30% trong số này được đấu giá, nhằm chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị. Đây là các khu do Quỹ Đầu tư phát triển và Phòng Quản lý đô thị thị xã Ninh Hòa quản lý.

Từ đầu năm nay, tỉnh Khánh Hòa đưa ra đấu giá một số căn nhà tại trung tâm thành phố Nha Trang, diện tích 100 - 300 m2. Ngoài ra, tỉnh còn đấu giá một số lô đất, diện tích 109 - 110 m2, giá khởi điểm từ 13,3 triệu đồng một m2.

Ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, 4 tháng đầu năm, tỉnh này thu về hơn 10 tỷ đồng từ đấu giá đất.

Yêu cầu dừng mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ vốn 10.000 đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu Công ty Chứng khoán VPS ngừng các hoạt động phân phối hay chia nhỏ bất động sản vốn từ 10.000 đồng để bán cho nhà đầu tư.

Các dự án biệt thự, shophouse, căn hộ được bán trên Fnest

Các dự án biệt thự, shophouse, căn hộ được bán trên Fnest

Nội dung trên được ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin tại họp báo thường kỳ Bộ Tài chính, chiều 18/6.

Gần đây, Công ty CP Fnest cung cấp dịch vụ đầu tư bất động sản chia nhỏ thông qua ứng dụng SmartOne của Công ty Chứng khoán VPS. Để tham gia, khách hàng cần phải là nhà đầu tư của VPS. Với mô hình này, mỗi bất động sản được đơn vị kinh doanh định giá và quy đổi ra số cổ phần có thể bán cho nhà đầu tư sơ cấp bằng đơn vị là Fnest. Trong đó, 1 Fnest tương đương 10.000 đồng. Ví dụ, một biệt thự ở Nhà Bè, TP.HCM được định giá 25,5 tỷ đồng tương đương với 2,55 triệu Fnest.

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện chưa có quy định về phương thức đầu tư bất động sản này. "Tuy nhiên, cơ quan quản lý nắm thông tin, đánh giá đây là loại hình khá nhiều rủi ro và yêu cầu VPS dừng phân phối sản phẩm này", ông Hải nói.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết, thị trường nước ngoài có quy định cụ thể để kiểm soát, hạn chế rủi ro từ loại hình kinh doanh này nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có.

Công ty CP Fnest được thành lập tháng 11/2022, có trụ sở chính tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP. Hà Nội. Hiện, Fnest do bà Nguyễn Thùy Linh làm đại diện, với ngành nghề chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất.

Mở rộng 8 km đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM)

TP.HCM di dời, đốn cây xanh và dỡ bỏ dải phân cách ngăn hai làn xe máy trên đại lộ Võ Văn Kiệt phía kênh Tàu Hủ, để nới rộng mặt đường giúp giảm ùn tắc, tai nạn.

Đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn qua Quận 1

Đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn qua Quận 1

Đoạn cải tạo dài khoảng 8 km, từ nút giao Tân Kiên, huyện Bình Chánh, ngược về hầm sông Sài Gòn, Quận 1 (TP.HCM). Hiện, làn đường dành cho xe máy trên đoạn này chia thành 2 phần, một bên rộng 3 - 3,5 m, bên còn lại rộng 2 - 2,5 m; phần giữa là dải phân cách cứng trồng cây xanh, bồn cỏ...

Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, công đoạn cải tạo đoạn đường trên đang bắt đầu triển khai, dự kiến giữa tháng 9 sẽ hoàn thành. Dải phân cách sau khi dỡ bỏ giúp phần đường dành cho xe máy phía kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được nới rộng lên khoảng 7 m, tạo thông suốt cho xe chạy.

Khoảng 236 cây xanh trên dải phân cách, đường kính 20 - 30 cm, cũng được đốn hạ, di dời để thực hiện công trình. Tổng kinh phí cải tạo đoạn đường trên khoảng 13,1 tỷ đồng.

"Hiện nay, lưu lượng xe trên đường Võ Văn Kiệt hiện tăng cao nên làn đường xe máy theo hướng từ Tân Kiên về Quận 1 tách thành 2 phần nên thường xuyên ùn tắc, dễ va quẹt", ông Tấn nói và cho biết, công trình cải tạo đường sau khi hoàn thành giúp tăng năng lực đi lại trên tuyến, xe chạy an toàn hơn.

Đại lộ Võ Văn Kiệt rộng 60 m, dài khoảng 13 km tính từ cầu Calmette (Quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1, nằm trong trục đại lộ Đông - Tây của TP.HCM. Đường thông xe năm 2009 và là tuyến huyết mạch, liên kết TP.HCM với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nam Long lãi 200 tỷ đồng nhờ bán vốn dự án 45 ha ở Đồng Nai

Nam Long ước tính lãi 200 tỷ đồng sau khi hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn tại Dự án Nam Long Đại Phước (Paragon Đại Phước) cho đối tác Nhật.

Phối cảnh dự án Nam Long Đại Phước

Phối cảnh dự án Nam Long Đại Phước

Công ty CP Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng 25% vốn tại Dự án Nam Long Đại Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho đối tác chiến lược Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad trong tháng 6.

Giá trị của thương vụ khoảng 662 tỷ đồng. Theo đó, Nam Long ước tính có thể thu về 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đóng góp vào lợi nhuận quý II.

Nam Long Đại Phước có tên thương mại là Paragon Đại Phước, quy mô 45 ha nằm tại đảo Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, được bao bọc bởi sông Sài Gòn.

Dự án do Công ty TNHH Paragon Đại Phước (liên doanh giữa Nam Long Group và Nishi Nippon Railroad) làm Chủ đầu tư, dự kiến cung cấp 677 căn biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, grand villa và grand riverfront villa. Tổng giá trị phát triển của Dự án là 13.775 tỷ đồng.

Nam Long cho biết, 100% dự án đã hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp đất, được phê duyệt quy hoạch 1/500, đóng tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ Dự án.

Theo thông tin được lãnh đạo Nam Long cập nhật tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Dự án Paragon Đại Phước nằm trong tổng thể Dự án Đại Phước của chủ đầu tư DIC Corp. Hiện Dự án đã được gia hạn đến năm 2027.

Theo kế hoạch, năm 2024, Nam Long kỳ vọng doanh thu và lãi ròng đạt lần lượt 6.657 tỷ đồng và 506 tỷ đồng, tăng gấp đôi về doanh thu và tăng 5% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2023.

Kết thúc quý I, Công ty thu về 205 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 77 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 7 tỷ đồng.

Đề xuất ô tô 45 chỗ được đi trên nút giao lớn nhất Nha Trang

Doanh nghiệp du lịch kiến nghị chính quyền Nha Trang cho phép xe 45 chỗ đi trên nút giao Ngọc Hội để thuận lợi kinh doanh du lịch.

Nút giao hiện mới hoàn thành 3 nhánh so với 4 nhánh so với thiết kế

Nút giao hiện mới hoàn thành 3 nhánh so với 4 nhánh so với thiết kế

Kiến nghị được Công ty TNHH Nhà Yến Nha Trang đại diện cho các doanh nghiệp nêu trong hội nghị đối thoại lần một năm 2024 do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, sáng 18/6.

Doanh nghiệp kiến nghị cho phép xe du lịch 45 chỗ đi ra vào TP. Nha Trang được đi qua cầu vượt nút giao trong thời gian mùa du lịch và lễ hội Nha Trang từ 25/5 đến hết ngày 31/8.

Trước đó, địa phương không cho xe khách trên 16 chỗ ngồi, ôtô tải trên 5 tấn chạy qua khu vực nút giao, trừ các xe thi công nút giao, ôtô buýt, xe môi trường đô thị và các xe ưu tiên theo quy định.

Trong khi đó, nhu cầu các xe chạy trên công trình giao thông này rất lớn trong mùa du lịch, đặc biệt đi từ khu vực phía Tây Nha Trang. Theo doanh nghiệp, việc cho phép ôtô đi trên nút giao còn giúp giảm ùn tắc cho khu vực phía Đông đường Trần Phú.

Trước đề xuất của doanh nghiệp, chính quyền Nha Trang cho biết sẽ rà soát, điều chỉnh phương án phân luồng ở nút giao cho phù hợp.

Nút giao Ngọc Hội ở trung tâm TP. Nha Trang, tổng đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, giúp giảm kẹt xe theo hướng Bắc Nam của TP. Nha Trang. Đây là một trong ba dự án BT (xây dựng - chuyển giao) được tỉnh Khánh Hòa giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư.

Hiện Dự án đã thông xe 3 trong tổng số 4 nhánh. Nhánh còn lại chưa thể thi công do vướng mặt bằng, các lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sơn bị Bộ Công an bắt giam hồi đầu năm 2024 để điều tra sai phạm.

Bắt cựu Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương

Cựu Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương bị bắt giữ để phục vụ điều tra với cáo buộc tạm ứng 60 tỷ đồng của Công ty để trả nợ, góp vốn đầu tư gây thiệt hại hơn 800 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng trước khi bị bắt

Ông Nguyễn Thanh Tùng trước khi bị bắt

Ngày 18/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Tùng (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương, viết tắt Công ty Dầu khí Thái Bình Dương) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo điều tra ban đầu, Công ty Dầu khí Thái Bình Dương được thành lập năm 2019 và ông Tùng là người đại diện theo pháp luật. Công ty này có vốn điều lệ 500 triệu đồng, trong đó ông Tùng chiếm 25%, bà Nguyễn Thị Trinh (vợ ông Tùng) chiếm 25%.

Ngày 9/10/2019, Công ty Dầu khí Thái Bình Dương bán cổ phần cho Công ty Air Water Inc (ông Murakami Masataka là người đại diện ủy quyền), cổ đông gồm: Công ty AWI (chiếm 51%), ông Tùng (chiếm 48,94%), bà Trinh (chiếm 0,06%). Ông Nguyễn Thanh Tùng là người đại diện theo pháp luật.

Từ ngày 26/6/2020 đến ngày 30/12/2020, ông Tùng đã duyệt ký tạm ứng cho bản thân với tổng số tiền 60 tỷ đồng. Khi tạm ứng, ông Tùng chỉ có phiếu đề nghị tạm ứng, không cung cấp các hồ sơ, tài liệu thể hiện mục đích tạm ứng.

Cơ quan điều tra xác định, ông Tùng không sử dụng số tiền tạm ứng này vào mục đích kinh doanh của Công ty mà dùng để trả nợ tiền vay, góp vốn đầu tư, hoàn ứng cho công ty khác và gây thiệt hại 878 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục