Bản tin thời sự sáng 28/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ khai thác thêm một nút giao trước ngày 31/3; Hà Nội yêu cầu tập trung kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây; TP.HCM sẽ có phố đêm tại Chợ Lớn; Kiên Giang đề xuất đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng làm đường ven biển ở Phú Quốc…

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ khai thác thêm một nút giao trước ngày 31/3

Các hạng mục của nút giao Đồng Thắng thuộc Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đang được nhà thầu hoàn thiện thi công nhằm hoàn thành để đưa vào khai thác trước ngày 31/3.

Nút giao Đông Xuân, huyện Đông Sơn
Nút giao Đông Xuân, huyện Đông Sơn

Dự án đường bộ cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 chuẩn bị đưa vào khai thác thêm một nút giao kết nối với tuyến đường địa phương để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Lãnh đạo Ban điều hành Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết nút giao Đồng Thắng trên tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành các hạng mục trước ngày 31/3.

Nút giao Đồng Thắng có tổng mức đầu tư hơn 165,8 tỷ đồng, được khởi công ngày 22/8/2023. Đến nay, phần cầu vượt nút giao qua tuyến chính đã hoàn thành 100%; đang triển khai thi công hạng mục lan can thép.

Riêng phần đường đã hoàn thành 100% khối lượng nền, móng các nhánh tại nút giao Đồng Thắng. Nhà thầu đang triển khai thi công hoàn thiện lớp mặt đường bê tông nhựa và mặt bê tông xi măng trạm thu phí. Các hạng mục như an toàn giao thông, điện chiếu sáng đang triển khai thi công lắp biển báo, rào chắn, cột điện và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/3 tới.

Lãnh đạo Ban điều hành cũng cho biết, Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng cộng 7 nút giao liên thông bao gồm: Mai Sơn (Km294+390), Đồng Giao (Km283+800), Gia Miêu (Km295+800), Hà Lĩnh (Km306+000), Thiệu Giang (Km315+380), Đông Xuân (Km327+142), Đồng Thắng (Km335+400).

Tuy nhiên, tại thời điểm thông xe vào ngày 30/4/2023, nút giao Thiệu Giang (tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và nút giao Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) chưa thi công xong nên không thể đưa vào sử dụng cùng với thời gian thông xe của Dự án.

Hà Nội yêu cầu tập trung kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây

Hà Nội yêu cầu không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sông Cầu Bây.

Phương tiện cơ giới tham gia múc bùn thải khơi thông dòng chảy sông Cầu Bây

Phương tiện cơ giới tham gia múc bùn thải khơi thông dòng chảy sông Cầu Bây

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Kế hoạch 90/KH-UBND về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm kiểm soát có hiệu quả các đối tượng có hoạt động xả nước thải, từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước sông Cầu Bây, góp phần cải thiện chất lượng nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Cầu Bây.

Theo đó, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu, các đơn vị tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, bảo đảm nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng quy chuẩn môi trường, đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Hà Nội yêu cầu không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, cơ sở không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải bảo đảm xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Bên cạnh đó, điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, ưu tiên thực hiện điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông Cầu Bây.

Thành phố cũng lưu ý tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào sông Cầu Bây và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm...

TP.HCM sẽ có phố đêm tại Chợ Lớn

UBND Quận 6 vừa đề xuất với lãnh đạo TP.HCM về việc hình thành khu phố đêm tại khu vực chợ Bình Tây (Chợ Lớn) nhằm thu hút du khách phát triển văn hóa kinh tế đêm và du lịch trên địa bàn.

Mô hình Phố đêm Chợ Lớn

Mô hình Phố đêm Chợ Lớn

Theo đề xuất của UBND Quận 6, hiện nay trên địa bàn Quận đã có các hoạt động giải trí, dịch vụ ẩm thực, mua sắm vẫn đang diễn ra hàng đêm, tuy nhiên do chưa có mô hình hoạt động kinh tế đêm nên các hoạt động được hình thành và phát triển nhỏ lẻ, không có sự quản lý chuyên nghiệp.

Việc tổ chức chợ đêm nhằm tận dụng các cơ sở vật chất, nguồn lực lao động trên địa bàn Quận, đồng thời nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nguồn thu, thu hút khách du lịch tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Theo UBND Quận 6, việc tổ chức các hoạt động kinh tế, văn hóa đêm gắn với phát triển du lịch là điều cần thiết. Trong đó, phố đêm Chợ Lớn sẽ hình thành điểm đến, thu hút người dân và du khách khám phá cuộc sống đặc trưng của cộng đồng người Hoa khu vực Chợ Lớn.

Bà Vương Thanh Liễu, Phó Chủ tịch UBND Quận 6 cho rằng, Đề án phố đêm Chợ Lớn sẽ gắn với phát triển du lịch với điểm nhấn là chợ Bình Tây, một công trình kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Phố đêm Chợ Lớn sẽ kết nối với một số khu kinh tế đêm thuộc địa bàn Quận 11, Quận 5 như phố sủi cảo Hà Tôn Quyền, chợ đêm khu Hải Thượng Lãn Ông, khu ẩm thực đường Châu Văn Liêm… để hình thành một khu vực du lịch có quy mô lớn của Thành phố.

Phố đêm Chợ Lớn dự kiến sẽ khai thác không gian vỉa hè thuộc 4 tuyến đường quanh khu chợ Bình Tây là Nguyễn Hữu Thận, Tháp Mười, Lê Tấn Kế, Trần Bình. Tổng diện tích phố đêm Chợ Lớn sẽ rộng khoảng 1.510 m2 được chia làm 7 phân khu chức năng với 41 gian hàng đặc trưng như xe tải bán đồ ăn, xe đẩy tay mini, các tiểu cảnh trang trí và ánh sáng nghệ thuật, các không gian cộng đồng hay các điểm tổ chức văn nghệ đường phố… Hệ thống bãi giữ xe, khu vực sân khấu, nhà vệ sinh công cộng... sẽ được bố trí quanh khu vực phố đêm.

Thời gian hoạt động của phố đêm Chợ Lớn từ 18 - 24 h hằng ngày.

Kiên Giang đề xuất đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng làm đường ven biển ở Phú Quốc

2 dự án đề xuất là Dự án đường ven biển và Dự án đường vành đai ven rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc với tổng vốn đầu tư ước khoảng 7.920 tỷ đồng.

Phú Quốc là điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu thích

Phú Quốc là điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu thích

Ngày 27/3, UBND tỉnh Kiên Giang đã gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để làm rõ kiến nghị đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng cho TP. Phú Quốc.

Tại Công văn số 424 ngày 8/3/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc gửi dự thảo Báo cáo tổng kết Quyết định số 178 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh đề xuất ưu tiên nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng về cấp nước, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông... với tổng nhu cầu khoảng 42.000 tỷ đồng.

Qua rà soát thứ tự ưu tiên và tính cấp thiết, UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư 2 dự án đang rất cấp thiết đối với sự phát triển của TP. Phú Quốc.

Trong đó, Dự án đường ven biển Phú Quốc có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, quy mô mặt đường bình quân từ 9 - 30 m, tổng chiều dài 26,6 km. Theo UBND Tỉnh, tuyến đường này đi ven bờ biển Phú Quốc, vừa đáp ứng yêu cầu giao thông, tham quan, vừa phục vụ quốc phòng - an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu, tuyến đường phù hợp với quy hoạch đảo Phú Quốc.

Dự án đường vành đai ven rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc với tổng chiều dài khoảng 184 km, tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng. Đây là tuyến vừa là đường giao thông, vừa là lằn ranh ngăn cách giữa rừng với bên ngoài để phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng và phòng chống xâm hại rừng Phú Quốc.

Với những nội dung đã nêu, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận ưu tiên đầu tư 2 dự án này.

Đà Nẵng Times Square được huy động vốn sau chuyển đổi từ codotel

Đà Nẵng cho phép Dự án Times Square được huy vốn sau 10 tháng chuyển từ codotel thành căn hộ chung cư.

Đà Nẵng cho phép dự án Times Square được huy vốn

Đà Nẵng cho phép dự án Times Square được huy vốn

Dự án Times Square (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) gồm 2 tòa tháp 50 tầng và 2 tòa 30 tầng, với hàng nghìn căn hộ.

Sở Xây dựng Đà Nẵng xác nhận, 4 tòa tháp của dự án này đủ điều kiện được huy động vốn qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư hoặc liên kết với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Cơ quan quản lý yêu cầu Công ty CP Kim Long Nam (Chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại. Trường hợp Chủ đầu tư dùng vốn sai mục đích sẽ phải hoàn lại, bồi thường (nếu gây thiệt hại) và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đó, hồi tháng 5/2023, Đà Nẵng đồng ý cho chuyển mục đích với 4 lô đất rộng gần 4.000 m2 của Dự án Times Square từ thương mại dịch vụ thành đất ở, để xây căn hộ chung cư. Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 30/3/2056.

Dự án này khởi công từ 2017, với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Dự án mới hoàn thiện phần thô do vướng những khó khăn về pháp lý với loại hình codotel những năm trước đây.

UDIC bị phạt vì 14 năm không xây xong Khu đô thị Hạ Đình

Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị phạt Tổng công ty UDIC 140 triệu đồng vì chậm khởi công dự án xã hội Khu đô thị Hạ Đình.

Quy hoạch Khu đô thị mới Hạ Đình

Quy hoạch Khu đô thị mới Hạ Đình

Trong kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Khu đô thị mới Hạ Đình, thuộc địa bàn huyện Thanh Trì và quận Thanh Xuân, đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư xong hạ tầng và đưa vào kinh doanh. Trong khi chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweicco) được cấp phép từ tháng 5/2007, dự kiến hoàn thành Dự án vào năm 2010. Haweicco là công ty con của Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC.

Theo phê duyệt của TP. Hà Nội, Khu đô thị Hạ Đình có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, quy mô gần 7,5 ha. Riêng diện tích đất ở tại Dự án hơn 4 ha, gồm 2 lô xây dựng nhà ở cao tầng và 2 lô xây biệt thự, nhà vườn.

Đến thời điểm thanh tra, Haweicco đã nhận bàn giao khoảng 5,7 ha để triển khai Dự án, còn hơn 1.900 m2 đất Dự án đang bị lấn chiếm. Ngoài các công trình đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng, Haweicco vẫn chưa hoàn thành các công trình hạ tầng xã hội, khu cây xanh, bãi đỗ xe.

Thanh tra cũng nêu, Chủ đầu tư không thể tự bố trí quỹ nhà tái định cư, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của khu đô thị. Quỹ nhà tái định cư vốn nằm ở dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1, thuộc quỹ đất 20% khu đô thị. Dự án này có tên thương mại là UDIC EcoTower do Liên danh UDIC - Haweicco - Công ty CP Kinh doanh và phát triển nhà DAC Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án được duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6/2020, dự kiến khởi công vào quý IV/2022 và hoàn thành vào quý IV/2024. Chủ đầu tư Khu đô thị Hạ Đình được ưu tiên mua nhà tại ô đất này để tổ chức tái định cư. Tuy nhiên, đến nay, dự án nhà ở xã hội vẫn chưa được khởi công. Hiện trạng ô đất NO1 vẫn bỏ trống, quây tôn xung quanh, không có hoạt động xây dựng.

Kết luận thanh tra nêu, nguyên nhân chậm triển khai dự án khu đô thị do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên việc chậm xây dựng nhà ở xã hội trên lô đất N01 thuộc về trách nhiệm của Liên danh UDIC - Haweicco - Xây dựng và phát triển nhà DAC Hà Nội. Trách nhiệm chính thuộc về UDIC, đơn vị đứng đầu liên danh đầu tư.

Với vi phạm trên, UDIC đối diện mức phạt hành chính 140 triệu đồng. Doanh nghiệp phải khởi công dự án nhà xã hội trong 30 ngày kể từ lúc có quyết định xử phạt. Còn Haweicco bị đề nghị 30 triệu đồng về hành vi không lưu trữ đầy đủ tài liệu dự án.

TP.HCM sẽ có trực thăng cứu thương cho người dân

Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM sẽ phối hợp Bệnh viện Quân y 175 mở trạm cấp cứu đường hàng không, phục vụ người dân Thành phố và khu vực phía Nam.

Trực thăng hạ cánh tại sân đỗ trên nóc Bệnh viện Quân y 175

Trực thăng hạ cánh tại sân đỗ trên nóc Bệnh viện Quân y 175

Nội dung này nằm trong đề án về phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Trung tâm cấp cứu 115 hàng không sẽ đặt tại khuôn viên Bệnh viện Quân y 175, với sự phối hợp quản lý của Công ty Trực thăng Miền Nam - Binh đoàn 18. Nơi này dự kiến sử dụng trực thăng cứu thương của Binh đoàn 18 cùng 17 xe cứu thương chuyên dụng, 5 môtô cứu thương, nhân lực khoảng 111 người.

Bên cạnh phát triển cấp cứu đường không, trung tâm cùng với các trạm cấp cứu vệ tinh 115, bệnh viện trong khu vực bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân Quận 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn và Củ Chi.

Bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 hoạt động từ cuối năm 2020. Sắp tới, Bệnh viện khánh thành viện đa khoa 1.000 giường, có thêm một sân đáp trực thăng, tăng cường khả năng vận chuyển, đặc biệt trong tình huống cấp cứu tai nạn hàng loạt.

Dịch vụ cấp cứu bệnh nhân bằng đường hàng không ở Việt Nam vận hành từ năm 2018 đến nay, nhưng chủ yếu vận chuyển từ ngoài biển vào, chưa triển khai trên đất liền. Tại phía Nam, hoạt động này chủ yếu do Bệnh viện Quân y 175 triển khai, đến nay đã cấp cứu nhiều bệnh nhân, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ, công nhân và ngư dân công tác trên biển khu vực Trường Sa.

Hiện, một số bệnh viện tại TP.HCM có sân trực thăng như Nhân dân 115, Nhi đồng Thành phố (Bình Chánh), Bệnh viện Tim Tâm Đức (quận 7), Ung bướu 2 (Thủ Đức)... đều chưa sử dụng.

Tin cùng chuyên mục