Bản tin thời sự sáng 31/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là: thêm 45 ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng; Việt Nam có 509 ca bệnh; Trầm Bê bị phạt thêm 3 năm tù; TP.HCM hạn chế trên 30 người nơi công cộng từ 31/7...

Dịch Covid-19: Thêm 45 ca mắc tại Đà Nẵng, Việt Nam có 509 ca bệnh

Sáng ngày 31/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã có thêm 45 ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng, hiện Việt Nam có 509 ca bệnh.

Sáng 31/7, thêm 45 ca mắc Covid 19, hiện Việt Nam có 509 ca bệnh

Sáng 31/7, thêm 45 ca mắc Covid 19, hiện Việt Nam có 509 ca bệnh

45 bệnh nhân có độ tuổi từ 27 - 87 tuổi, trong đó có: 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp tại khách sạn đang cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng - quận Sơn Trà, 2 trường hợp tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Qua điều tra, giám sát dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng đã lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm ngày 30/7 có 45 mẫu dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Tính đến 6h ngày 31/7, Việt Nam, có tổng cộng 509 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 93 ca. Tính từ 18h ngày 30/7 đến 6h ngày 31/7, ghi nhận 45 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 53.767 người. Trong đó, 619 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.625 người cách ly tập trung tại cơ sở khác, 38.523 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 369/509 ca bệnh Covid 19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 72,5% tổng số ca bệnh. Không có trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này.

Tính đến sáng ngày 31/7, trong số các bệnh nhân Covid 19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 18 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 122 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Vụ án Ngân hàng Phương Nam: Trầm Bê bị phạt thêm 3 năm tù

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường 16 năm tù, tuyên phạt bị cáo Trầm Bê 3 năm tù; tuyên phạt Phan Huy Khang 2 năm 6 tháng tù...

Bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam.

Bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam.

Sau 1 tuần xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam - Southernbank (nay đã sát nhập vào Ngân hàng Sacombank), chiều 30/7, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 10 bị cáo.

Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thanh Phát) 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015; tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó, buộc bị cáo Cường nhận hình phạt chung là tù chung thân.

Đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Phương Nam, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank) 3 năm tù; tuyên phạt Phan Huy Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Phương Nam; nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank) 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bảy bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 1 năm tù treo đến cao nhất là 2 năm tù giam, cùng về tội danh trên.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc Dương Thanh Cường phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại vụ án là 505 tỷ đồng. Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục kê biên 23 sổ đỏ để xử lý khoản nợ 171 tỷ đồng bị cáo vay của Agribank, phần thừa dùng để xử lý khoản thiệt hại 505 tỷ đồng của Sacombank./.

TP.HCM hạn chế trên 30 người nơi công cộng từ 31/7

TP.HCM vừa có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: quán bar, vũ trường phải tạm đóng cửa từ ngày 31/7.

TP.HCM vừa có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: quán bar, vũ trường phải tạm đóng cửa từ ngày 31/7.

TP.HCM vừa có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: quán bar, vũ trường phải tạm đóng cửa từ ngày 31/7.

UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn về việc tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid-19, trong đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải tạm đóng cửa từ 31/7.

Công văn nêu rõ, tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác... khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...). Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: quán bar, vũ trường….

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biên dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dụng dịch sát khuẩn... Thời gian áp dụng các biện pháp nêu trên bắt đầu áp dụng từ 31/7./.

Thanh Hóa: Cách chức nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND Yên Định

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định cách chức Bí thư Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Hoàng Cao Thắng.

Trụ sở Huyện ủy Yên Định

Trụ sở Huyện ủy Yên Định

Tối 30/7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo số 406-TB/UBKTTU về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định, nhiệm kỳ 2010 - 2015; cách chức Bí thư Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Hoàng Cao Thắng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Yên Định.

Thông báo cũng nêu rõ việc cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Yên Định nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với bà Ngô Thị Hoa, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định.

Ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định nhiệm kỳ 2010 - 2015 bị kỷ luật cảnh cáo.

Ông Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Yên Định nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định nhiệm kỳ 2016 - 2021 bị khiển trách.

Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định nợ nhiều tỷ đồng của cán bộ và người dân trong thời gian dài (chủ yếu trong giai đoạn 2011 - 2015).

Những khoản nợ chủ yếu gồm tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân Huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy, mực in; tiền ăn uống, tiếp khách...

Đến ngày 29/7, tất cả các khoản chi thường xuyên sai quy định, không đủ điều kiện thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước, còn tồn đọng tại Cơ quan Huyện ủy và Cơ quan Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định đã được các cá nhân vi phạm tự bỏ tiền hoàn trả đầy đủ./.

Hàng chục người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc

Đồn biên phòng Bắc Sơn (Quảng Ninh) bắt giữ 24 người Việt nhập cảnh trái phép và đưa đi cách ly 14 ngày, trong hai ngày 29 và 30/7.

Khu vực sông biên giới nơi 24 người nhập cảnh trái phép.

Khu vực sông biên giới nơi 24 người nhập cảnh trái phép.

Khoảng 15h30 ngày 30/7, tại khu vực sông biên giới thuộc thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP. Móng Cái, tổ tuần tra, kiểm soát Đồn biên phòng Bắc Sơn phát hiện, bắt giữ 16 người Việt Nam nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về.

16 người này gồm 10 nữ, 6 nam. Họ khai nhận, trước đó đã nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng để lao động tại một số xưởng sản xuất bên Trung Quốc.

Trước đó, khoảng 17h30 ngày 29/7, cũng tại khu vực trên, tổ tuần tra Đồn biên phòng Bắc Sơn phát hiện, bắt giữ 7 người gồm 2 nam, 5 nữ nhập cảnh trái phép, đang đi từ bờ sông biên giới lên hướng vào nội địa.

Nhóm này có độ tuổi từ 16 đến 50, quê ở các tỉnh Hà Nội, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Giang, Thanh Hóa.

Những người này khai, chiều ngày 13/5, vượt biên trái phép bằng đường mòn biên giới khu vực Lạng Sơn sang Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) tìm việc làm. Ngày hôm sau, họ bị công an Nam Ninh bắt giữ và giam tại trại tạm giam Nam Ninh. Chiều 29/7, những người này nhập cảnh trái phép về Việt Nam thì bị biên phòng bắt giữ.

Ngoài ra, lúc 23h30 ngày 29/7, cũng tại khu vực biên giới trên, tổ tuần tra Đồn biên phòng Bắc Sơn phát hiện một cô gái 18 tuổi, quê Bắc Ninh vượt biên trái phép, đang đi từ bờ sông biên giới lên hướng vào nội địa.

Cùng ngày, Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Quảng Ninh) phát hiện 45 người Việt vượt sông Ka Long từ hướng Trung Quốc vào Việt Nam. Tất cả được lấy lời khai ban đầu, sau đó đưa đến khu vực cách ly tập trung tại thành phố Móng Cái.

9 người trốn giãn cách xã hội bằng tàu biển

Tàu gỗ chở 9 người từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế để trốn giãn cách xã hội bị bộ đội biên phòng phát hiện, sáng 30/7.

Người dân đi thuyền từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế.

Người dân đi thuyền từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế.

Đại tá Tôn Thất Nguyên Đạt, Chỉ huy phó Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, nói khoảng 10h30 sáng nay, biên phòng đồn Lăng Cô đã tạm giữ 9 người trên chiếc tàu gỗ này.

Trên tàu có 2 người cư trú tại Đà Nẵng, 7 người ở Thừa Thiên Huế, xuất phát từ Đà Nẵng theo đường biển, khi đang cập bờ biển thôn Đồng Dương (Thừa Thiên Huế) thì bị lực lượng biên phòng phát hiện, tạm giữ. Những người này đã được biên phòng giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Thừa Thiên Huế xử lý.

Trước đó chiều 28/7, tỉnh Thừa Thiên Huế gửi công văn yêu cầu các chốt kiểm soát trên địa bàn cấm tất cả người và phương tiện từ Đà Nẵng đến địa phương này; ngoại trừ trường hợp đặc biệt với lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...

Ngoài hai chốt kiểm soát trên đỉnh đèo Hải Vân và hầm Bắc Hải Vân với CSGT thường trực, biên phòng Thừa Thiên Huế lập hai chốt kiểm soát ở khu vực đường mòn, ven biển giáp Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục