Với một quốc gia thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng ồ ạt như Việt Nam, nhu cầu cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ rất lớn. Ảnh: Tiên Giang |
Tập trung vào dự án ưu tiên, có tính lan tỏa
Tại Hội thảo công nghệ giao thông vận tải (GTVT) giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội ngày 17/1/2018, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý trong xây dựng chính sách, cơ chế và đề xuất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phương thức đầu tư đa dạng nhằm giúp Việt Nam tiến tới đạt được mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, nhu cầu vốn đầu tư phát triển KCHTGT của nước ta đến năm 2020 khoảng 50 tỷ USD, song trong bối cảnh hiện tại vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức do nợ công cao, việc huy động nguồn lực khó khăn, cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước chưa hoàn thiện… Vì thế, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam xác định sẽ tập trung vào các dự án ưu tiên, có tính lan tỏa và đảm bảo kết nối hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa với các dự án lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM…
Theo ông Nagai Katsuro, Công sứ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, với một quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng ồ ạt như Việt Nam, nhu cầu cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ rất lớn. Tuy nhiên, trong quản lý và duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng hiện hữu rất cần có các giải pháp hiệu quả, các công nghệ hữu ích để phát huy tối đa giá trị, khả năng khai thác của các công trình giao thông, vừa đảm bảo tính hiệu quả, vừa đáp ứng các yêu cầu về an toàn.
Còn ông Akimoto, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng cơ sở, Giao thông và Du lịch Nhật Bản thì cho rằng, KCHTGT gồm cả phần cứng (các công trình) và phần mềm (các tiêu chuẩn, chính sách quản lý an toàn, hiệu quả). Và trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho hạ tầng phần cứng bị hạn chế, chỉ có thể tập trung đầu tư cho các công trình ưu tiên, mang tính trọng điểm và cấp thiết thì Việt Nam nên áp dụng và đẩy mạnh các giải pháp hạ tầng phần mềm để đảm bảo tính hiệu quả, an toàn trong khai thác của các công trình hiện hữu.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu thầu
Có một nghịch lý được nhiều chuyên gia đề cập tại Hội thảo là trong khi nguồn vốn đầu tư cho KCHTGT tại Việt Nam khó khăn, hạn hẹp song lại chưa chặt chẽ trong việc kiểm soát chất lượng công trình; việc huy động nhân sự tham gia xây dựng, vận hành công trình chưa phù hợp với yêu cầu. Chính vì vậy, thực tế đã xảy ra câu chuyện công trình sau khi xây dựng không đảm bảo chất lượng, thậm chí xảy ra sự cố như: lún trượt tại Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hằn lún vệt bánh xe tại Đại lộ Mai Chí Thọ (TP.HCM); nứt dầm thép cầu Vàm Cống (tháng 11/2017); sập giàn giáo tại Dự án Cát Linh - Hà Đông (tháng 12/2014); sập cẩu long môn lắp dầm Super-T tại Dự án Cầu Việt Trì - Ba Vì (tháng 6/2017)…
Tại Hội thảo, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần triển khai các giải pháp “căn cơ” để nâng cao chất lượng công trình cũng như tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông. Ở góc độ quản lý nhà nước, Việt Nam cần nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; rà soát để lựa chọn các chủ thể tham gia dự án có năng lực (gồm các ban quản lý dự án – bên mời thầu, tư vấn, nhà thầu). Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới có hiệu quả; lựa chọn giải pháp thiết kế, thi công hợp lý, tiết kiệm chi phí đầu tư; duy trì kiểm tra hiện trường, kiểm định chất lượng cũng như quyết liệt thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện để bảo vệ kết cấu, độ bền của các công trình giao thông.