Bộ Y tế bảo “có”, BHXH chối “không”
Liên quan đến việc mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập, Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định, BHXH Việt Nam có trách nhiệm công khai giá từng loại thuốc trúng thầu được thanh toán, giá thuốc trúng thầu trung bình được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của từng bệnh viện, địa phương, Bộ Y tế trên trang thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.
Bộ Y tế cho rằng: “Mặc dù hiện nay BHXH Việt Nam đã tham gia vào tất cả các bước của quá trình mua sắm, đấu thầu thuốc, nhưng BHXH Việt Nam vẫn ban hành văn bản xác định giá thuốc trúng thầu trung bình để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu mà không căn cứ theo giá đã ký kết trong hợp đồng là không có căn cứ, không tuân thủ theo nguyên tắc điều tiết của thị trường, trái với quy định của Luật Đấu thầu và không có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định như vậy, đã gây không ít khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh và các doanh nghiệp dược”.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam lại một mực khẳng định rằng, BHXH Việt Nam không có một văn bản nào quy định như Bộ Y tế nêu. Giá trúng thầu trung bình là một thông tin để tham khảo cho các Hội đồng đấu thầu thuốc để xây dựng giá trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho phù hợp. Nếu việc tham khảo được thực hiện nghiêm túc thì có thể mua được thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý hơn, tiết kiệm chi ngân sách, quỹ BHYT và chi phí xã hội. Do đó, BHXH Việt Nam đặt vấn đề, rằng liệu đây đang có sự hiểu nhầm hay chăng?
“Nói một đằng, làm một nẻo”?
Trong khi hai bên còn chưa ngã ngũ thì cộng đồng doanh nghiệp và nhiều cơ sở y tế lại “dậy sóng”. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã đứng tên ký đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc BHXH áp dụng giá thuốc trúng thầu trung bình làm cơ sở để thanh toán.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều cơ sở y tế đã rơi vào tình cảnh “tréo ngoe” này. Đơn cử như tại Gia Lai, trong năm 2017, phía BHXH phản đối việc giá trúng thầu nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu của các gói thầu mua thuốc tập trung trên địa bàn cao hơn giá trung bình. Cụ thể là có tới 45 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn giá tối đa so sánh từ dữ liệu giá thuốc trung bình đợt 1 năm 2017 mà BHXH Việt Nam công bố. Trong đó, có 8 mặt hàng tăng từ 21 - 110%, còn lại tăng dưới 20%. Tổng giá trị chênh lệch lên tới 3,1 tỷ đồng.
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Gia Lai lại cho rằng mình đã làm đúng, đã tuân thủ các quy định trong tổ chức lựa chọn nhà thầu. Vì bị nhiều sức ép, Sở Y tế đã phải thương thảo lại với nhà thầu trúng thầu để giảm giá, nhưng chỉ có 6/12 mặt hàng thuốc được các nhà thầu đồng ý giảm giá. Tuy nhiên, đây là trường hợp may mắn hiếm hoi thương thảo thành công trót lọt, vì không phải nhà thầu nào cũng chấp thuận giảm giá một lần nữa khi hợp đồng đã được ký kết.
Tại nhiều địa phương khác cũng từng xảy ra tranh cãi “nảy lửa” vì bất đồng quan điểm trong vấn đề này giữa các Sở Y tế và cơ quan BHXH như Bình Định, Vĩnh Phúc, An Giang, Quảng Bình...
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, nói đến giá thuốc trúng thầu trung bình có nghĩa là phải có nhà thầu cao, có nhà thầu thấp, mới ra được giá trung bình. Lấy giá thuốc trúng thầu trung bình để làm cái trần thanh toán rõ ràng là không đúng. Giá trung bình chỉ là để tham khảo, nếu có sai lệch thì điều chỉnh cho phù hợp. Việc thanh toán phải căn cứ vào kết quả đấu thầu cụ thể.
Nếu như mỗi nơi hiểu một cách khác nhau về tính chất “tham khảo” với việc áp dụng trong thực tế, vị chuyên gia này khuyến cáo, thì BHXH Việt Nam phải có sự hướng dẫn đồng bộ, thống nhất từ cách hiểu đến cách làm trong toàn hệ thống. Nếu không, thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho cả các cơ sở y tế, lẫn nhà thầu.