Nếu công bố giá thuốc trung bình năm 2013, số tiền chênh lệch mà cơ quan bảo hiểm phải thu hồi có thể lên tới 700 tỷ đồng. Ảnh: Gia Khoa |
Thực trạng
Đến thời điểm này, vướng mắc của 29 tỉnh, thành do thực hiện đấu thầu thuốc chậm so với quy định tại Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC (TT01) vẫn chưa được xử lý. Trong khi đó, Bộ Y tế cho rằng việc thu hồi số tiền chênh lệch là hết sức khó khăn.
Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu công bố giá thuốc trung bình năm 2013, số tiền chênh lệch giữa giá mua vào của các cơ sở khám, chữa bệnh và giá thuốc trúng thầu trung bình mà cơ quan bảo hiểm phải thu hồi có thể lên tới 700 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với các thuốc thanh toán theo giá trúng thầu thấp nhất của tỉnh giáp ranh, theo số liệu của Bảo hiểm y tế, tổng số tiền chênh lệch giữa giá mua vào và giá thanh toán (giá trúng thầu thấp nhất của tỉnh lân cận) của 26 tỉnh là 91,38 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM có chi phí chênh lệch lớn nhất lên tới 31 tỷ đồng; tiếp đó là Thanh Hóa 9 tỷ đồng; Long An 8,6 tỷ đồng; Đắk Lắk là 5,5 tỷ đồng; Cà Mau là 4,8 tỷ đồng; Đồng Nai là 4,2 tỷ đồng; Điện Biên là 3,5 tỷ đồng… 3 tỉnh không so sánh được với tỉnh giáp ranh do tỉnh giáp ranh cũng thuộc 29 tỉnh đấu thầu chậm là Lào Cai, Ninh Bình và Thừa Thiên Huế.
Đối với mặt hàng thuốc thanh toán theo giá thuốc trúng thầu trung bình thì chưa tính toán được. Hiện nay do Bộ Y tế chưa công bố giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2013 theo TT01 nên các địa phương chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán chi phí mua thuốc. Tuy nhiên, từ số liệu của 11 địa phương báo cáo về cơ quan Bảo hiểm y tế cho thấy, có tới 23.912 mặt hàng thuốc chưa có giá thanh toán, số tiền chênh lệch có thể lên tới 674 tỷ đồng.
Bộ Y tế lúng túng
Để gỡ vướng mắc kéo dài nêu trên, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Y tế chủ trì công bố giá thuốc trúng thầu năm 2013 theo TT01 nhằm làm căn cứ để BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh xem xét thực hiện. Vào các năm 2014, 2015 Chính phủ cũng đã có công văn nêu rõ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm việc thanh toán tiền thuốc đối với một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định về cung ứng thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế thừa nhận 29 địa phương đã thực hiện đấu thầu chậm là sai quy định, theo đó Bộ đã có công văn gửi 29 tỉnh, thành hướng dẫn việc thanh toán chi phí thuốc chậm đấu thầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn lúng túng trong việc công bố giá thuốc.
Tại một cuộc họp mới đây liên quan đến xử lý vướng mắc này, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế thuộc Bộ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế tạm thời công bố giá thuốc trúng thầu năm 2013 theo TT01 để các địa phương có căn cứ thanh toán và Báo cáo về Bộ số tiền chênh lệch giữa giá mua vào và giá thuốc trúng thầu trung bình là bao nhiêu; phương án hoàn trả số tiền chi phí chênh lệch của địa phương như thế nào...
Dù vậy, đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế băn khoăn, việc xác định giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2013 là không khó, nhưng khi công bố giá thuốc trúng thầu trung bình của 29 tỉnh, thành và giới hạn trong thời gian năm 2013 - 2014 thì lo ngại có phản ứng. Một là do các cơ sở khám chữa bệnh đã thanh toán toàn bộ chi phí mua thuốc cho doanh nghiệp (DN), khi công bố DN đã biết tình huống này nên có thể làm thủ tục giải tán, phá sản nhằm trốn tránh trách nhiệm. Hoặc là DN vẫn đang hoạt động nhưng khi căn cứ theo hợp đồng gói thầu ký kết thì họ thực hiện đúng, khi thu hồi số tiền chênh lệch có thể ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của nhà thầu dẫn tới khiếu kiện.
Tuy nhiên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, sẽ không lo DN khởi kiện, bởi hợp đồng ký kết giữa các nhà thầu cung cấp thuốc với các cơ sở khám chữa bệnh là hợp đồng dân sự. Nhà thầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Vấn đề ở chỗ là về quản lý nhà nước, khi có sự chênh lệch giá như vậy, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm.