Có 126 loại thuốc mua tập trung tại Bình Định có giá trúng thầu cao hơn từ 10% trở lên so với giá trúng thầu tại các địa phương khác, trong đó có nhiều loại thuốc cao hơn 40% |
Trong khi Sở Y tế phản ứng khá gay gắt thì phía BHXH Bình Định khẳng định đang làm đúng vai trò là thành viên chính thức của Hội đồng mua thuốc để đảm bảo giá thuốc hợp lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.
Tiết kiệm 22% vẫn đề nghị thương lượng lại với nhà thầu
Ngày 26/6/2017, BHXH Bình Định có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh này thương lượng với các nhà thầu có giá thầu trúng thầu tại Đơn vị mua thuốc tập trung tỉnh Bình Định cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác. Danh mục được BHXH Bình Định đính kèm bao gồm 126 mặt hàng. Theo đại diện BHXH Bình Định, việc điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp là để đảm bảo sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Trước đó, Sở Y tế Bình Định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu số 01: Thuốc generic thuộc Dự toán mua sắm thuốc tập trung cấp cho các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh từ quý II/2017 đến hết quý I/2018.
Qua rà soát KQLCNT, BHXH Bình Định phát hiện có đến 126 loại thuốc có giá trúng thầu cao hơn từ 10% trở lên so với giá trúng thầu tại các địa phương khác, trong đó có một số loại thuốc cao hơn 40%.
BHXH Bình Định cho biết, từ năm 2017 BHXH Tỉnh được tham gia vào các khâu liên quan đến đấu thầu thuốc nên cơ quan này mới có điều kiện so sánh giá thuốc với các địa phương khác. “Trước đây BHXH Tỉnh không biết giá thuốc ở các địa phương khác. Vì không có dữ liệu nên cũng không rõ giá thuốc trúng thầu cung cấp cho các cơ sở y tế trong Tỉnh là cao hay thấp. Mặt khác, việc điều tra thị trường còn kém, chưa có chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm hiểu, phát hiện sự chênh lệch giá thuốc. Khi giá thuốc cao sẽ gây thiệt hại cho BHXH và người bệnh có BHYT phải gánh chịu”, BHXH Bình Định cho biết.
Trong khi đó, theo Sở Y tế Bình Định, cơ quan BHXH Bình Định đã cử cán bộ có liên quan đại diện tham dự ngay từ khi lập danh mục thuốc đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tham gia thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, HSMT, đánh giá HSDT, thẩm định KQLCNT. “Tại Bình Định, cơ quan BHXH tham gia đấu thầu thuốc ở tất cả các khâu kể từ khi Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực, chứ không chỉ riêng Sở Y tế thực hiện tất cả các khâu trong đấu thầu thuốc”, văn bản của Sở Y tế Bình Định khẳng định.
Gói thầu số 01 do Sở Y tế Bình Định mời thầu có tổng số 64 nhà thầu tham dự và có 52 nhà thầu trúng thầu. Theo KQLCNT được công bố, có 1479/1970 mặt hàng trúng thầu với tổng giá trị là 502.857.139.195 đồng, trong khi giá kế hoạch của 1479 mặt hàng này là 641.022.629.757 đồng. Như vậy, qua đấu thầu, gói thầu này đã tiết kiệm được 22%, tương đương với 138.165.490.562 đồng.
Đã phổ biến việc thương lượng lại giá trúng thầu
Ngay sau khi nhận được công văn của BHXH đề nghị thương lượng lại giá thuốc với các nhà thầu, Sở Y tế Bình Định đã có công văn gửi cho 18 nhà thầu trúng thầu có các mặt hàng theo đề nghị này. Đến hết ngày 5/7/2017, trong 18 nhà thầu trúng thầu Sở Y tế đã gửi văn bản, có 4 nhà thầu không gửi văn bản phúc đáp. Động thái này được Sở Y tế Bình Định coi như không đồng ý giảm giá với số lượng là 11 mặt hàng. Trong 14 nhà thầu có văn bản phúc đáp, có 7 nhà thầu không đồng ý giảm giá với số lượng là 20 mặt hàng và 7 nhà thầu đồng ý giảm giá với số lượng là 40/95 mặt hàng.
Đối với 40 mặt hàng được 7 nhà thầu đồng ý giảm giá, Sở Y tế Bình Định đã có văn bản thông báo gửi cho các bên liên quan để triển khai thực hiện. Riêng đối với 86 mặt hàng mà các nhà thầu không đồng ý giảm giá, Sở Y tế đề nghị BHXH Bình Định xem xét, thanh toán theo mức giá trúng thầu.
Theo đánh giá của Sở Y tế Bình Định, việc cơ quan BHXH đề nghị thương lượng lại giá trúng thầu là việc làm tốt nhằm giảm tối đa chi phí đối với thuốc dùng cho người bệnh. Tuy nhiên, Sở Y tế Bình Định cho rằng: “Điều này không có nghĩa là đơn vị mua thuốc tập trung, Sở Y tế Bình Định đã tổ chức đấu thầu không đúng quy định”. Lý giải của Sở Y tế Bình Định cho rằng, thuốc cũng là một loại hàng hóa (dù là hàng hóa đặc biệt) được điều chỉnh bởi quy luật thị trường nên giá trúng thầu ở các địa phương khác nhau chắc chắn sẽ chênh lệch tăng giảm khác nhau, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của nhà thầu, quy mô mặt hàng mời thầu, thời điểm mời thầu…
Chính Sở Y tế Bình Định cũng cho biết, việc thương lượng lại giá trúng thầu theo đề nghị của cơ quan BHXH đã xảy ra ở nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, An Giang, Quảng Ninh… bắt đầu từ năm 2013 đến nay. Sở Y tế Bình Định cho rằng, việc cơ quan BHXH đơn phương yêu cầu thương lượng lại với nhà thầu trúng thầu để làm giảm giá thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh tham gia BHYT, đồng thời làm cho dư luận hoang mang và hiểu sai về công tác đấu thầu thuốc của ngành y tế Bình Định.
Cũng liên quan đến việc cơ quan BHXH yêu cầu thương lượng lại giá thuốc trúng thầu, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM đã từng trao đổi với Báo Đấu thầu, từ năm 2013 BHXH TP.HCM đã yêu cầu một số cơ sở y tế công lập phải thương lượng lại với nhà thầu về giá trúng thầu. “Chúng tôi là cơ quan chịu trách nhiệm chi trả tiền thuốc cho người bệnh tham gia BHYT. Chúng tôi có trách nhiệm giám sát giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Và BHXH TP.HCM từ trước đến nay luôn quyết liệt yêu cầu các bệnh viện phải thương lượng lại giá thuốc để phù hợp với thị trường, với các KQLCNT được công bố trên hệ thống thông tin ngành bảo hiểm. BHXH TP.HCM chưa gặp tình huống nào phản ứng lại đề nghị của mình. Và nhiều bệnh viện đã thương lượng với nhà thầu để đưa giá thuốc về mức phù hợp nhất”, bà Huyền cho biết.