Tình trạng phát sinh kiến nghị phức tạp do đánh giá HSDT chưa khách quan hiện rất phổ biến. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lâm Đồng, Gói thầu Mua sắm bộ thu truyền thanh không dây kỹ thuật số trên địa bàn huyện Di Linh được UBND huyện Di Linh phê duyệt dự toán 725.780.000 đồng. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Di Linh chỉ định Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hoàn Thành Ninh Thuận làm tư vấn lập hồ sơ yêu cầu (HSYC) và đánh giá hồ sơ đề xuất (HSĐX). Gói thầu đã phát sinh kiến nghị phức tạp.
Cụ thể, Gói thầu có sự tham gia của 2 nhà thầu, trong đó Công ty TNHH Điện tử và Viễn thông Thành Tín có giá dự thầu 725.000.000 đồng; nhà thầu còn lại có giá dự thầu 694.330.000 đồng. Kết quả, Nhà thầu Thành Tín được lựa chọn trúng thầu.
Tại gói thầu này, trước và sau thời điểm mở thầu, một nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ HSYC và cho rằng, yêu cầu kỹ thuật có quá nhiều tiêu chí về ISO cũng như tiêu chuẩn TCVN. Đồng thời, HSYC có yêu cầu giấy phép bán hàng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Tất cả các nội dung đề nghị làm rõ này đều không nhận được bất kỳ phản hồi nào của BMT.
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, việc BMT không trả lời công văn làm rõ của Nhà thầu là chưa phù hợp, từ đó dẫn tới bức xúc của Nhà thầu khiến kiến nghị kéo dài. HSYC có một số nội dung chưa đảm bảo tính cạnh tranh, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Cụ thể, HSYC yêu cầu dây điện lắp bộ thu Cadivi là đã nêu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, HSYC cũng yêu cầu nhà thầu phải có chứng nhận, chứng chỉ ISO 9001:2015 trong lĩnh vực sản xuất thiết bị đầu cuối 2G, 3G, 4G và thiết bị truyền thanh qua mạng viễn thông. Như vậy, chỉ đối với nhà thầu có ngành nghề sản xuất thiết bị đầu cuối 2G, 3G, 4G và thiết bị truyền thanh qua mạng viễn thông mới đạt yêu cầu, các nhà thầu không có ngành nghề sản xuất các thiết bị này sẽ không đạt yêu cầu. HSYC yêu cầu nhà thầu có xác nhận không nợ thuế là không phù hợp với quy định…
Đặc biệt, Sở KH&ĐT Lâm Đồng cho biết, cả 2 nhà thầu dự thầu đều không có tài liệu chứng minh thiết bị được đo kiểm, thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt, chống nước, chống bụi IP66 (IEC 60529:2001). Tuy nhiên, BMT đã đánh giá Nhà thầu Thành Tín đạt yêu cầu là không đúng.
Từ những đánh giá nêu trên, Sở KH&ĐT Lâm Đồng kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Di Linh ra quyết định hủy thầu.
Trong khi đó, tại Gói thầu Số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Đồng Tháp cũng có những diễn biến phức tạp do kiến nghị kéo dài từ phía nhà thầu dự thầu với lý do “BMT không đánh giá khách quan giữa các HSDT”.
Gói thầu có dự toán 11.057.342.482 đồng, đóng thầu vào ngày 14/6/2022. Nhà thầu nộp HSDT gồm: Liên danh Công ty CP Phát triển công nghệ hành chính ADDJ - Công ty CP Công nghệ lưu trữ số hóa HT (Liên danh ADDJ - HT); Liên danh Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TT LTQG IV) - Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Hoàng Minh (Tư vấn Hoàng Minh). Kết quả, Liên danh TT LTQG IV - Tư vấn Hoàng Minh trúng thầu với giá 11.050.886.000 đồng.
Báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia cho thấy, Liên danh ADDJ - HT bị đánh giá không đạt ở bước kỹ thuật do có 18 nhân sự không đáp ứng vì đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với gói thầu này (Gói thầu Số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang).
Theo Nhà thầu phản ánh, cả 2 thành viên trong Liên danh trúng thầu đều đã và đang trong thời gian thực hiện hợp đồng tại nhiều gói thầu trên địa bàn khác.
Hiện nay, nhiều đơn kiến nghị của nhà thầu phản ánh có nhiều BMT chưa tuân thủ nghiêm việc công bố đầy đủ, kịp thời báo cáo đánh giá HSDT.
Theo chuyên gia Nguyễn Việt Hùng, hiện nay công tác đánh giá HSDT đang dẫn tới nhiều bức xúc, kiến nghị kéo dài do cùng một nội dung, BMT châm chước, bỏ qua cho nhà thầu này nhưng lại bắt bẻ, “vạch lá tìm sâu” với nhà thầu khác.