Bộ Công Thương cắt giảm, đơn giản hóa trên 70% điều kiện kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đến nay, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng 880 điều kiện trên tổng số 1.216 ĐKKD (chiếm trên 70 %).
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương. Ảnh: Việt Anh
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương. Ảnh: Việt Anh

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương đang diễn ra sáng 7/1, tại Hà Nội.

Với chức năng, nhiệm vụ là bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60 - 70% GDP của cả nước, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành có chính sách ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên số lượng các thủ tục, ĐKKD tương đối lớn. Theo thống kê đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 ĐKKD.

Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu với Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, ĐKKD tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017 - 2018. Tiếp đó, Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 9 Nghị định trong năm 2017 và năm 2018.

Ngày 2/7/2019, Bộ Công Thương đã công bố danh mục ĐKKD đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ tại cổng thông tin điện tử https://moit.gov.vn.

Với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định trong năm 2017 và năm 2018, Bộ Công Thương trở thành bộ tiên phong thực hiện việc cắt giảm ĐKKD theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 675 ĐKKD trên tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (chiếm tỷ lệ 55,5%).

Trong năm 2019, 2020, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thành việc cắt giảm ĐKKD cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, Bộ cắt giảm, đơn giản hóa 205 ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, tập trung vào cắt giảm các ĐKKD trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất, điện lực, ô tô, kinh doanh khí, khoáng sản.

Như vậy, sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng chiếm trên 70% ĐKKD.

Cùng với cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, hoạt động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) cũng được Bộ Công Thương chú trọng. Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các TTHC, ĐKKD và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành (Chỉ thị số 03/C-BCT). Triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT, tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1649/QĐ-BCT ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2020 của Bộ Công Thương. Theo đó, sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 53 TTHC (bãi bỏ 5 TTHC, đơn giản hóa 48 TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 03/CT-BCT.

Với 444 TTHC hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 147 TTHC (130 TTHC thực hiện ở cấp tỉnh; 15 TTHC thực hiện ở cấp huyện, 2 TTHC thực hiện ở cấp xã).

Bộ Công Thương cũng là một trong những bộ đầu tiên ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về hoạt động kiểm soát TTHC, đó là Thông tư số 18/2018/TT-BCT ngày 19/7/ 2018 (thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BCT). Theo đó, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc ban hành, công bố và rà soát theo định kỳ các TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, đảm bảo việc ban hành TTHC đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp; rà soát, đơn giản hóa TTHC tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện.

Với mục tiêu tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến với việc chủ động triển khai hàng loạt các các giải pháp nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử tại Bộ.

Bên cạnh việc đưa vào sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ hàng vạn lượt doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ này thông qua điện thoại, email… góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong việc tiếp cận với các TTHC do Bộ quản lý.

Tin cùng chuyên mục