![]() |
Nghị định 73/2025/NĐ-CP vừa được ban hành đã điều chỉnh giảm đáng kể thuế suất thuế nhập khẩu của 16 nhóm mặt hàng. Ảnh: Lê Tiên |
Một số chuyên gia cho rằng, cần đàm phán tích cực để làm rõ và đi đến các thỏa thuận cân bằng lợi ích hai bên, đồng thời thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng năng lực thích ứng cho cộng đồng doanh nghiệp.
Rạng sáng ngày 3/4 (giờ Việt Nam), Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố thuế quan đối ứng ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại lớn của Mỹ như Việt Nam (46%), Trung Quốc (34%), Nhật Bản (24%), và EU (20%). Việc thực hiện bao gồm 2 đợt: 10% cho thuế quan cơ bản vào ngày 5/4, sau đó là mức thuế riêng cho từng quốc gia vào ngày 9/4.
Tại cuộc họp báo quý I/2025 của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn cho biết, thuế đối ứng được Mỹ áp dụng lên đến 46% dành cho Việt Nam là cao hơn rất nhiều so với mức hiện hành, nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt các nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ như linh kiện điện tử, các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày…
Ông Tuấn cho biết thêm, trong thời gian qua, để chủ động thích ứng linh hoạt kịp thời với biến động của kinh tế vĩ mô thế giới, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ đề ra và bảo đảm các cân đối vĩ mô, Bộ Tài chính đã thực hiện việc rà soát tổng thể các mức thuế suất nhập khẩu, từ đó đã tham mưu Chính phủ điều chỉnh phù hợp. Trong đó, đã ban hành Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP. Theo đó, đã điều chỉnh giảm đáng kể thuế suất thuế nhập khẩu của 16 nhóm mặt hàng được các đối tác thương mại lớn, trong đó có Mỹ quan tâm. Việc điều chỉnh theo Nghị định số 73 nhằm cải thiện cán cân thương mại với các đối tác lớn, đặc biệt những đối tác có thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận thị trường đa dạng với mức thuế tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trước khi trình Nghị định 73, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát mức thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường để tính được mức thuế đang áp dụng như thế nào. “Báo cáo gần nhất của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đề cập thuế nhập khẩu bình quân của Việt Nam chỉ là 9,4%. Trong đó, phần lớn mặt hàng của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế nhập khẩu nhỏ hơn hoặc bằng 15%. Mặt bằng thuế quan của Việt Nam thấp hơn nhiều mức 46%. Do đó, cần làm rõ căn cứ Mỹ đưa ra mức thuế suất cao như vậy để có giải pháp ứng phó phù hợp”, ông Tuấn nói.
Từ góc độ đơn vị nghiên cứu, SSI Research cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ ảnh hưởng đến riêng Việt Nam hay 60 quốc gia trong danh sách mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tuy nhiên, theo SSI Research, mức thuế mà ông Trump đưa ra có thể hiểu là mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán. Hay nói cách khác, ảnh hưởng ngắn hạn là có nhưng đàm phán giữa các quốc gia, dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam không phải là 46% mà sẽ thấp hơn.
TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, cần tính đến các giải pháp thích ứng linh hoạt. Theo đó, có thể tính đến các giải pháp cụ thể như đàm phán tiếp tục hướng đến giảm mức thuế đối ứng, khi lợi ích cân bằng, công bằng hơn thì mức thuế sẽ điều chỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách thuế linh hoạt với hàng Mỹ và mở rộng các hợp đồng từ Mỹ. Đồng thời, chuyển hướng chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Một khi Mỹ thực hiện chính sách này thì nhiều quốc gia khác sẽ liên kết lại và gần nhau hơn, từ đó có thể tạo thuận lợi để Việt Nam đa dạng thị trường.
“Cú sốc thuế quan này cũng giúp thức tỉnh chúng ta ở một số khía cạnh. Đó là quan tâm nội lực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hơn, biến lực lượng này thành trụ cột lớn bên cạnh khu vực FDI; doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng, cần đa dạng hóa thị trường, R&D vào sản phẩm, tăng cường hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm. Tăng cường năng lực sản xuất sản phẩm hướng tới thị trường trong nước và tạo những hàng rào kỹ thuật bảo vệ sức mua của 100 triệu dân”, ông Linh nhấn mạnh.