Bộn bề “vướng mắc” tại các dự án giao thông trọng điểm tỉnh Kiên Giang

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm trong lĩnh vực giao thông tại Kiên Giang đang gặp những vướng mắc khác nhau ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ xây dựng dự án và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022.
Cảng hành khách Rạch Giá là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Tuấn.
Cảng hành khách Rạch Giá là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Ngọc Tuấn.

Năm 2022, lĩnh vực giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang có 7 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư hơn 3.157 tỷ đồng, theo đó vốn bố trí cho các dự án này trong kế hoạch năm 2022 là 390,9 tỷ đồng. Ngoài ra, lĩnh vực giao thông của Tỉnh còn có 2 dự án khởi công mới với tổng mức đầu tư 2.209,9 tỷ đồng, trong đó vốn bố trí cho kế hoạch năm 2022 là 533,7 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tính tới cuối tháng 10/2022, tỷ lệ giải ngân các dự án ngành giao thông đạt khoảng 57,69% so với kế hoạch. Trong danh mục các dự án chuyển tiếp, 3 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% lần lượt là: Cảng hàng khách Rạch Giá (29,02%), Đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất (45,66%), Đường ven sông Cái Lớn (32,07%). Kế đến là 3 dự án có tỷ lệ giải ngân trên 50% gồm: Đường Thứ 2 đến Công Sự (53,57%), Cầu Mỹ Thái (68,54%) và Đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy (74,22%).

Nguồn số liệu nêu trên cũng cho thấy, tổng số vốn còn lại trong kế hoạch cần phải giải ngân trong 2 tháng còn lại của năm 2022 đối với nhóm dự án chuyển tiếp là khoảng hơn 201,87 tỷ đồng.

Đối với 2 dự án giao thông khởi công mới, số vốn cần phải giải ngân cũng lớn, khoảng hơn 318,64 tỷ đồng. Cụ thể, tính tới cuối tháng 10/2022, Dự án Đường 3/2 nối dài đạt tỷ lệ giải ngân 64,05% trên kế hoạch vốn 333,763 tỷ đồng bố trí cho năm 2022. Còn Dự án Đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương (tổng vốn đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng) đạt tỷ lệ giải ngân vỏn vẹn 0,66% trên kế hoạch vốn 200 tỷ đồng năm 2022.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang đề nghị có biện pháp xử lý theo quy định với các nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký tại các dự án: Đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc; Cảng hành khách Rạch Giá. Đồng thời, Sở cũng đề nghị chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu phụ tại Dự án Đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất hoàn thành thi công khối lượng hợp đồng đã ký để giải ngân hết vốn theo kế hoạch.

Tại Báo cáo số 225/BC-SKHĐT (ngày 20/10/2022), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang đánh giá kết quả giải ngân thấp do các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, hầu hết các dự án giao thông chuyển tiếp đều gặp 2 vướng mắc chính là giải phóng mặt bằng và nhà thầu thi công bê trễ, cầm chừng, thậm chí còn ngừng thi công dài hạn. Trong 2 dự án giao thông khởi công mới, ngoài vướng mắc chung về khâu đền bù, giải phóng mặt bằng rất khó khăn thì Dự án Đường 3/2 nối dài còn gặp khó khăn trong khâu lựa chọn nhà thầu xây lắp và phải tới cuối tháng 10/2022 mới hoàn thành khâu này. Theo Báo cáo, để cán đích mục tiêu giải ngân, Sở Kế hoạch và Đầu tư ngoài kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị hữu trách liên quan tập trung xử lý vướng mắc, sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, sở này đề nghị Sở Giao thông vận tải (Chủ đầu tư) có biện pháp xử lý theo quy định đối với các nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ. Các nhà thầu bị “điểm mặt” và đề nghị áp biện pháp xử lý trong Báo cáo gồm Tổng công ty 319, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Trường Sơn 185.

Tháng 5/2022, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khi đó cho biết, sau tháng 6/2022, kết quả giải ngân các dự án giao thông mới có hiệu quả vì công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian. Khi giải quyết được các vấn đề này, khoảng quý III mới có thể tăng tốc giải ngân các dự án.

"Từ đầu năm, chủ đầu tư đã ký cam kết có lộ trình, có kế hoạch rất chi tiết và phải nghiêm túc thực hiện", ông Thành cho biết.

Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã Chỉ thị số 04/CT-UBND (ngày 15/4/2022) về triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tỉnh chỉ thị, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương, nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả, đồng thời xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Tuy nhiên, hiện đã hết nửa quý IV, tỷ lệ giải ngân vốn công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Kiên Giang vẫn chưa như kỳ vọng, lượng vốn chưa giải ngân còn nhiều và mục tiêu cán đích giải ngân đầu tư công nhóm dự án này khó khả thi khi Tỉnh chưa thể bốc đặc trị hữu hiệu các vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục