Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, khả năng đạt một số chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong kế hoạch gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự quyết tâm lớn về chính trị và những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm tạo đột phá trong tăng trưởng.
“Giữ mục tiêu tăng trưởng là việc làm đúng!”
Trong công điện thúc đẩy hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 vừa phát đi, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như kế hoạch đưa ra. Tại công điện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Qua 8 tháng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực”. Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, vẫn còn những khó khăn gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian còn lại của năm 2016: tăng trưởng của cả ba khu vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tăng chậm lại. Mặc dù vậy, Thủ tướng nêu quyết tâm: “Để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, quyết tâm phấn đấu, kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu”.
Liên quan tới vấn đề này, tại Hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng: “Chính phủ kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm là việc làm đúng để chúng ta tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn”. Chuyên gia Nguyễn Quang Thái cũng đồng quan điểm: “Không nên điều chỉnh mục tiêu, mà chúng ta nên nỗ lực tối đa, cải cách tối đa để nền kinh tế phát triển…”.
Vẫn còn dư địa cho tăng trưởng
Xét về dài hạn, ông Đặng Đức Anh cho rằng: “Các dư địa khác từ tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ có tác động dần dần chứ không hiệu quả ngay trong năm nay. Về lâu dài những nỗ lực này sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo”.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh, cho rằng: “Trong những tháng cuối năm, nền kinh tế cần gia tăng các yếu tố tăng trưởng ngắn hạn để đạt mục tiêu tăng trưởng 2016. Đồng thời, chuẩn bị các yếu tố nền tảng của cải cách để duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn”.
Cụ thể, Chính phủ cần chú trọng các biện pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để có thể duy trì mức đóng góp vào tăng trưởng một cách phù hợp; coi trọng hỗ trợ xuất khẩu và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và các dịch vụ kết nối với thị trường quốc tế. Hỗ trợ phát triển dịch vụ ở khu vực đô thị, dịch vụ cung cấp cho các khu công nghiệp. Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp làng nghề và công nghiệp nông thôn. “Đây là nhóm ngành có thể giải quyết việc làm và đóng góp vào tăng trưởng” - ông Bắc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Bắc kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, ODA, FDI, nhất là dự án FDI lớn, bởi trên thực tế nhiều dự án đã được cấp phép, chuẩn bị sẵn sàng, nhưng chưa triển khai được do bị vướng về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. “Đặc biệt, cả bộ máy Chính phủ cần quyết liệt hành động để đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, biến những khó khăn hiện nay trở thành động lực cải cách mạnh mẽ hơn”, ông Bắc lưu ý.