Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo |
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách, đột phá về tư tưởng và quan điểm quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sự chủ động, linh hoạt và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quản lý đầu tư công.
"Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ; một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành, nhiều chính sách đã chín muồi và cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét.
Sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách lớn về đầu tư công
Chia sẻ thêm về nội dung Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại diện Ban soạn thảo cho biết, Dự thảo bao gồm 29 chính sách mới, tập trung vào 5 nhóm chính sách chính.
"29 nội dung thuộc 5 nhóm chính sách mới này đã chắt lọc toàn bộ, cặn kẽ, đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư… nhằm hoàn thiện nhất các giải pháp thúc đẩy hoạt động đầu tư công, nâng cao hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, sửa đổi, bãi bỏ kịp thời các quy định không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động đầu tư công trong giai đoạn mới", đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Luật Đầu tư công có thể xem là luật có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. "Chúng tôi rất tán thành các điểm mới mấu chốt nhất của Luật sửa đổi. Đó là những đổi mới toàn diện, nhìn thẳng vào vướng mắc. Đơn cử như nhóm thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, Dự thảo bổ sung nội dung cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, theo đó, mở rộng dự án nhóm B, nhóm C là vô cùng cần thiết. Bởi việc tách này sẽ giúp khâu chuẩn bị đầu tư tốt hơn, bố trí vốn thuận lợi hơn", ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết.
Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu ngày 11/9 tại TP.HCM |
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, tỉnh Hậu Giang khi triển khai các dự án đã nhiều lần đề xuất thực hiện nội dung này nhưng chưa được. "Thực tế, dự án nhanh hay chậm là do khâu GPMB, không có mặt bằng, không thể triển khai dự án. Trong khi đó, nếu không tách GPMB thành dự án thì khi triển khai vô cùng khó khăn, bất cập, kéo dài và làm giảm hiệu quả đầu tư công", ông Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng các hồ sơ liên quan, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình 1 kỳ họp.
Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư công nhận được sự đồng thuận của nhiều tỉnh thành phía Nam trong bối cảnh khu vực này đang triển khai loạt dự án trọng điểm có tính liên vùng, từ 2 tỉnh trở lên. "Hiện nay, quy định Thủ tướng Chính phủ giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên. Tại Luật Đầu tư công không quy định cụ thể nội dung này. Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên do UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một nội dung kịp thời, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án tại khu vực Đông Nam Bộ như đường Vành đai 4, các dự án đường sắt liên vùng sắp triển khai", đại diện UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Lấy ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư công và 4 Luật (Quy hoạch, Đầu tư, PPP, Đấu thầu) tại Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên
Một trong những điểm mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi) liên quan đến dự án ODA với việc xây dựng chương riêng. Theo chia sẻ của nhiều địa phương, dự án sử dụng vốn ODA đang quá nhiêu khê về thủ tục, thực hiện theo nhiều bước và thông thường chỉ tính riêng công tác chuẩn bị để đi đến ký kết hiệp định phải mất từ 2 - 5 năm. Do đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương độc lập với kế hoạch cho vốn vay lại; đơn giản hóa nội dung liên quan đến đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập đề xuất dự án… được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa nguồn vốn quan trọng này.
"Có tới 16 dự án ODA tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai, có vai trò lớn để phát triển khu vực. Do đó, ngay khi Luật được ban hành, nhiều dự án sẽ cải thiện tiến độ", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.