Các dự án giao thông tại Kiên Giang: Gỡ vướng mặt bằng, tăng tốc giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ sau hai tháng 5 và 6, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án giao thông tại Kiên Giang đã cải thiện rõ nét. Tỷ lệ giải ngân từ 3,66% kế hoạch năm (cuối tháng 4) tăng lên 38,7% (tính đến cuối tháng 6). Vướng mắc về mặt bằng dần được tháo gỡ giúp nguồn vốn đầu tư công chảy mạnh vào các dự án giao thông.
Thi công Dự án Đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu (TP. Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Tuấn
Thi công Dự án Đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu (TP. Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông tỉnh Kiên Giang, năm 2022, nguồn vốn đầu tư công bố trí hơn 948,571 tỷ đồng cho 9 dự án. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là 748,571 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 200 tỷ đồng. Cùng với 3 dự án chuyển nguồn vốn từ kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, Ban đang thực hiện 12 dự án, bao gồm 10 dự án chuyển tiếp và 2 dự án mới. Trong đó, hai dự án mới là Đường Ba Tháng Hai nối dài và Đường ven biển Hòn Đất - Kiên Lương được bố trí 400 tỷ đồng nhưng đến nay chưa hoàn tất khâu lựa chọn nhà thầu xây lắp.

Ông Châu Hùng Kỳ, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Kiên Giang cho biết, lũy kế giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 là 367,230 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, nếu tính giá trị thực hiện đến ngày 30/6/2022 là 602,804 tỷ đồng, đạt 63,55% kế hoạch năm.

“Tỉnh Kiên Giang quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương ưu tiên cho nhiệm vụ giải phóng mặt bằng nên vấn đề mặt bằng cho các dự án giao thông từng bước được giải quyết. Trong khi đó, các nhà thầu tập trung nguồn lực triển khai thi công nên tiến độ các dự án được đẩy nhanh hơn”, ông Kỳ nói.

Theo đánh giá của tỉnh Kiên Giang, dù tiến độ giải ngân bắt đầu tăng tốc trong nửa cuối quý II nhưng để duy trì đà tăng là một thách thức. Nguyên nhân quan trọng là các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ giá vật tư, nhiên liệu xuống hoặc chờ cơ chế điều chỉnh giá đối với hợp đồng theo đơn giá cố định. Nhiều hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định tại các dự án: Đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất; Đường tỉnh 964, hạng mục xây dựng 7 cầu; cầu Mỹ Thái... bị ảnh hưởng lớn vì giá vật tư tăng từ 30 - 40% so với giá dự toán nên nhà thầu càng làm càng gánh lỗ.

Ông Kỳ cho biết, Ban đang tích cực đốc thúc các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, sẵn sàng thay thế nhà thầu yếu năng lực, chậm tiến độ. Vừa qua, Ban đã cắt hợp đồng, giao nhà thầu phụ ở một số gói thầu đối với nhà thầu chính chậm tiến độ tại các dự án: Đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu; Đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất.

Ngoài ra, thời gian tới phải tập trung tháo gỡ vấn đề giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng ở các dự án: Đường ven sông Cái Lớn; Đường Thứ 2 - Công Sự (tại vị trí 3 cầu trên tuyến); Đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất (cầu Vàm Răng, cầu Vạn Thanh và đoạn 70m cuối tuyến tại miếu Cô Hai); Đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu (tại vị trí tuyến nhánh 4,8 km, phương án bổ sung chưa được phê duyệt); Đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy (còn 51 hộ và 2 tổ chức chưa nhận tiền đền bù)…

“Với các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn sẽ đề xuất điều chuyển sang các dự án khác triển khai tốt nhưng còn thiếu vốn. Mục tiêu đến 31/1/2023 giải ngân đạt 100% lượng vốn bố trí trong kế hoạch”, ông Kỳ nói.

Hiện nay, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông Kiên Giang đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu các gói thầu thuộc 2 dự án trọng điểm gồm: Đường Ba Tháng Hai nối dài và Đường ven biển Hòn Đất - Kiên Lương. Dự kiến trong quý III/2022 lựa chọn xong nhà thầu, quyết tâm giải ngân hết số vốn 400 tỷ đồng bố trí cho 2 dự án này.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sau tháng 6/2022, giải ngân các dự án giao thông mới tăng tốc vì công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng mới đạt kết quả. UBND tỉnh Kiên Giang đã có Chỉ thị số 04 về triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, đồng thời thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện. Tỉnh phấn đấu xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Từ đầu năm, chủ đầu tư các dự án giao thông đã ký cam kết với lộ trình, kế hoạch rất chi tiết và phải nghiêm túc thực hiện.